P.V: X
in đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đặt ra trong năm học 2018-2019? Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Với kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trong năm học 2017-2018 như: Quy mô trường, lớp các cấp học tiếp tục được duy trì tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc, tiếp tục nâng cao mức độ đạt được.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước khắc phục sự bất cập về số lượng, chất lượng từng cấp học; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…
Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, điểm trung bình các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,45 điểm xếp thứ 3 toàn quốc; kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia ổn định, đạt 43 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, 3 giải cuộc thi khoa học kỹ thuật, trong đó có dự án đạt giải Nhất…
Kết quả đó là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trong năm học 2018-2019 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng. Trong đó Ninh Bình tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" theo các chương trình, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, từ năm học 2019-2020 đối với lớp 1. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020.
Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giữ vững chất lượng giáo dục ngang bằng với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng. Phấn đấu xây dựng 18 trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 87,4%; 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trung bình chung khu vực Đồng bằng Sông Hồng; kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 đứng trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; hoàn thành tốt các lĩnh vực công tác theo quy định của Bộ GD&ĐT, phấn đấu có 7 lĩnh vực trở lên đạt xuất sắc.
P.V: Thưa đồng chí, vậy ngành đã chuẩn bị về cơ sở vật chất cho năm học mới như thế nào?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Để không ngừng tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong các trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo ngay từ trước năm học đã phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung tham mưu chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Từng bước sắp xếp thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.
Chỉ đạo các đơn vị trường học và địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng học sinh, thực trạng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là hệ thống phòng học, kiên quyết không để học sinh phải học trong các trường học mất an toàn.
Đối với những đơn vị trường học có tình trạng phòng học xuống cấp nghiêm trọng phải có kế hoạch tu sửa, cải tạo, xây mới, đồng thời có các giải pháp bố trí phòng học phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Đồng thời tham mưu với các địa phương tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về Giáo dục- Đào tạo, vốn xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giảm nghèo, vốn kiên cố hóa trường lớp, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đảm bảo điều kiện trường học đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở vật chất phục vụ dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong năm học 2017-2018, toàn ngành đã đầu tư sửa chữa, xây mới 487 phòng học, 32 phòng hiệu bộ, 130 phòng chức năng, 207 nhà vệ sinh và 4.340 m2 sân, tường rào với tổng kinh phí 185 tỷ 980 triệu đồng (tăng 42 tỷ 912 triệu đồng so với năm học trước).
Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 86,5%, tăng 0,6% so với năm học trước; trong đó khối huyện, thành phố đạt 84,9%, khối trực thuộc Sở đạt 95,5%. Ngành cũng đã đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi mầm non; trang bị máy chiếu, thiết bị phòng học ngoại ngữ, phòng học bộ môn… cho các trường phổ thông trị giá hàng chục tỷ đồng.
Đồng thời triển khai giải ngân 3 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 để thực hiện dự án lồng ghép phổ cập giáo dục xóa mù chữ, xây dựng trường chuẩn Quốc gia; hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phòng học thuộc chương trình kiên cố hóa trường, lớp học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2017-2020 ở 4 trường tiểu học, với tổng mức đầu tư là 16 tỷ 778 triệu đồng...
Qua kết quả rà soát của ngành, bước vào năm học mới, cơ sở vật chất của các nhà trường tương đối đảm bảo, cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Hiện nhiều cơ sở giáo dục đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa, xây mới, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học trong các nhà trường.
P.V: Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học cũng như chủ đề năm học 2018-2019, ngành Giáo dục Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Phát huy những thành tích mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong năm học 2017-2018, khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm học trước, ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới.
Sở đã chỉ đạo các cấp học hoàn thành việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp; tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định khung thời gian năm học 2018-2019; chỉ đạo các ngành học trên cơ sở bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra để cụ thể hóa các nhiệm vụ đó sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị công khai, thông tin rộng rãi biên chế lớp học, thời gian học tập, quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, nội quy học sinh, kế hoạch năm học và các chương trình giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường. Đến nay, toàn ngành có trên 225 nghìn học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí đủ giáo viên, tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ quản lý; chỉ đạo công tác phân công giáo viên, chuẩn bị xếp lớp của nhà trường trong năm học mới.
Ngành đã chỉ đạo cử cán bộ và giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên cho năm học mới. Tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới trong cách dạy và cách học, dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện cho lễ khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ tới trường. Động viên đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm cao nhất, tạo chuyển biến trong năm học 2018-2019.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)