Tới dự có Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Jean- Hubert Lebret, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Bành Tiến Long, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam Phạm Văn Quý, cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong hai ngày, 30 và 31- 3, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề lớn: Thực trạng hợp tác đại học Pháp ngữ tại Việt Nam; Những phương thức mới đối với một nền đại học đạt chuẩn quốc tế; Những tác nhân mới đối với một nền đại học đạt chuẩn quốc tế.
Việt Nam hiện có 369 trường đại học, cao đẳng, (trong đó 160 trường ĐH và 209 trường CĐ) quy mô 1.603.484 sinh viên, đạt 188 sinh viên/1 vạn dân. Số lượng trường ngoài công lập tăng lên với 64 trường chiếm tỉ lệ 16,5%, tỷ lệ sinh viên ngoài công lập chiếm 11,8% tổng số sinh viên ĐH, CĐ của cả nước.
Tổng số giảng viên ĐH,CĐ năm 2008 là 56.120 người, tăng 11,7% so với năm trước; nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm từ 11% xuống 10,5%; trình độ thạc sĩ 36,1% tăng so với năm học trước (33,57%). Tỷ lệ bình quân 28,5 sinh viên /1 giảng viên.
Các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam như: Xây dựng quy trình đào tạo mềm dẻo và liên thông, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở đại học; Khuyến khích các trường lựa chọn áp dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước phát triển. Xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về đào tạo và nghiên cứu khoa học, hệ thống thư viện điện tử và các trung tâm học liệu để tạo các công cụ hỗ trợ cho việc dạy, học và đánh giá kết quả học tập.
Một giải pháp hết sức quan trọng là xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách quản lý và giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Xóa bỏ sự phân biệt giữa giảng viên biên chế và hợp đồng dài hạn, giảng viên các trường công lập và ngoài công lập.
Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nhiều chuyên gia giỏi từ các cơ sở nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong nước và ngoài nước hỗ trợ cho giảng dạy đại học. Xây dựng chính sách đồng bộ thu hút chất xám từ Việt kiều và sử dụng công dân Việt Nam học từ nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước
Tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp giải quyết những vấn đề từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu cho nhà trường. Thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm gắn kết đào tạo, khoa học và sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện việc xây dựng chính sách và chế độ kiêm nhiệm tham gia giảng dạy của các cán bộ khoa học làm việc ở các viện nghiên cứu.
Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học nhằm đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư. Dành quỹ đất cho các trường đại học, có quy hoạch các khu đại học tập trung, hiện đại; chuẩn hóa cơ sở vật chất và xây dựng một số cơ sở hạ tầng chung cho giáo dục đại học.
Cùng với đó là xây dựng một số trường đại học trình độ quốc tế, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, làm chỗ dựa về chất lượng cho toàn hệ thống giáo dục đại học. Thiết lập các nguyên tắc và thủ tục thông thoáng cho phép nước ngoài hoặc các trường ĐH có chất lượng của nước ngoài đầu tư 100% vốn xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế hoặc mở chi nhánh ở nước ta. Tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, tiến tới xuất khẩu lao động trình độ cao...
Theo NDĐT