Năm 2017, tỉnh Ninh Bình có 18 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, huyện Nho Quan có các xã Đức Long, Gia Tường, Xích Thổ; huyện Gia Viễn có các xã Gia Thịnh, Gia Vượng, Gia Hòa, Gia Phong;huyện Yên Khánh có các xã Khánh Công, Khánh Tiên, Khánh Lợi, Khánh Vân; huyện Kim Sơn có các xã Lưu Phương, Văn Hải, Kim Chính; huyện Yên Mô có các xã Yên Lâm, Khánh Thịnh và thành phố Tam Điệp có xã Đông Sơn, Yên Sơn.
Đến thời điểm này, 18 xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017, đều đạt từ 13 tiêu chí trở lên, trong đó có 3 xã đạt 16 tiêu chí (gồm Gia Thịnh, Văn Hải, Khánh Thịnh); 13 xã đạt 15 tiêu chí... các tiêu chí còn lại chưa đạt chủ yếu là: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo...
Để giúp các xã đạt chuẩn, hội nghị dành nhiều thời gian bàn, tháo gỡ những khó khăn ở các xã đã đăng ký về đích. Trong đó một số giải pháp được các địa phương thống nhất cao là: Nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới các cấp, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên, đoàn viên giúp nhau giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế địa phương
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, hợp với lòng dân, được nhân dân đồng thuận cao, do đó các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện có kết quả, nhất là những xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2017 cần đánh giá chính xác các tiêu chí đã đạt để giữ vững, còn các tiêu chí chưa đạtphải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, đôn đốc thực hiện.
Những tiêu chí còn lại các xã cần hoàn thiện hiện nay là tiêu chí khó, cần nhiều kinh phí, nguồn lực, đồng chí Đinh Chung Phụng, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân tiếp tục hiểu rõ mục đích ý nghĩa của chủ trương xây dựng nông thôn mới, chung tay cùng thực hiện.
Việc phân bổ vốn cho xây dựng nông thôn mới, các ngành, các địa phương cần thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, gắn với dồn điền đổi thửa, xây dựng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Minh Đường-Đức Lam