Dự buổi giao ban có đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi giao ban. Tham gia giao ban trực tuyến tại tỉnh Ninh Bình có đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế cùng lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành liên quan.
Đây là dịp để Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đánh giá thực trạng công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, công tác phòng, chống dịch bệnh và việc thực hiện Nghị định 67 ngày 18-7-2008 của Chính phủ về "Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm VSATTP" , trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp quyết liệt nhằm sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Theo đánh giá của Cục An toàn VSTP, Cục Y tế dự phòng và Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong 5 tháng đầu năm 2009, các ngành, các địa phương trong cả nước đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền công tác đảm bảo vệ sinh ATTP và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm.
5 tháng đầu năm, các đoàn thanh tra liên ngành trong cả nước đã tổ chức trên 10.000 cuộc kiểm tra ở trên 250.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời kiểm soát, khống chế có hiệu quả tình hình dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh ATTP, góp phần bình ổn thị trường thực phẩm trong nước, duy trì tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP Trung ương, 15 tỉnh, thành đã thành lập được Chi cục ATVSTP và Ninh Bình là một trong 15 tỉnh đầu tiên thành lập được cơ quan này.
Tuy nhiên, tình hình ATVSTP, dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1) bệnh tiêu chảy cấp, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 2.000 vụ ngộ độc thực phẩm. Tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, đến ngày 6-6, cả nước có 9 trường hợp bị nhiễm cúm A (H1N1).
Đối với Ninh Bình, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 1 trường hợp mắc cúm A (H5N1), 17 ca nghi mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 11 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả và có 1 trường hợp đã tử vong. Ninh Bình hiện chưa có người mắc cúm A/H1N1. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai chương trình hành động khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; tổ chức tập huấn phác đồ điều trị cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và bệnh tiêu chảy cấp; tích cực giám sát chặt chẽ bệnh nhân và các trường hợp liên quan; giám sát tại cộng đồng, sớm phát hiện các trường hợp mắc để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, việc sớm thành lập Chi cục VSATTP đã là cơ sở để nâng cao năng lực hệ thống quản lý về vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi giao ban, các địa phương, các Bộ, ban, ngành đã nêu lên thực trạng, đề xuất những giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch và công tác đảm bảo VSATTP, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là các chủ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đưa mục tiêu đảm bảo ATVSTP vào kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm.
Về giải pháp lâu dài, các tỉnh cần quy hoạch, xây dựng vùng trồng rau an toàn, quy hoạch khu vực giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP; làm tốt công tác quản lý việc buôn bán thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Đinh Ngọc