Phát biểu chào mừng tại Hội nghị giao ban, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, do đó giáo dục Ninh Bình đã có bước phát triển toàn diện, khá vững chắc. Đến nay, Ninh Bình đã quy hoạch xong mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; đã chuyển đổi xong các loại hình trường phổ thông theo đúng Luật giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển, đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 năm 2011, đến nay đã có 5/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 2.
Vừa qua tỉnh đã được Bộ GD&ĐT về kiểm tra công nhận kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt trên 83%, hiện có 349 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 74%. Chất lượng giáo dục của Ninh Bình đang từng bước được khẳng định, ngày càng hòa nhập tốt hơn với các tỉnh trong cụm Đồng bằng sông Hồng….
Năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT các tỉnh vùng 2 tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cấp ủy Đảng, chính quyền; các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ sở giáo dục đã có nhiều nỗ lực, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Giáo dục các địa phương tiếp tục ổn định và phát triển tích cực, là vùng có các chỉ số giáo dục phát triển cao trong cả nước. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục được nâng lên. Số trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục tăng ở các ngành học, cấp học.
Các tỉnh trong vùng đã triển khai thực hiện đồng thời giáo dục phổ cập và giáo dục chất lượng cao. Công tác xã hội hóa giáo dục, công bằng trong giáo dục, kỷ cương trường lớp tiếp tục được đẩy mạnh. Các CVĐ và phong trào thi đua trong ngành được triển khai mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội…
Tuy nhiên, giáo dục các tỉnh vùng 2 cũng còn những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục, tháo gỡ kịp thời, đó là sự chênh lệch chất lượng giữa các vùng, miền, cơ sở giáo dục ở mỗi tỉnh; việc khai thác, sử dụng các điều kiện dạy-học ở một số nơi chưa tốt, chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương; công tác xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao phát triển chưa mạnh, việc xây dựng các điển hình tiên tiến qua thực hiện các phong trào thi đua và nhân rộng còn hạn chế…
Phát biểu tại Hội nghị giao ban, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Hội nghị giao ban thường niên các tỉnh trong vùng có những điểm tương đồng về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển là sự cần thiết và có tác động tốt đến sự phát triển chung của mỗi tỉnh và toàn vùng.
Qua các buổi giao ban giúp ngành GD&ĐT các tỉnh trong vùng có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục- đào tạo nói chung và thực hiện nhiệm vụ năm học nói riêng.
Hơn nữa, qua các hội nghị giao ban thường niên của các vùng, các khu vực, Bộ giáo dục và đào tạo sẽ nắm bắt được những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các văn bản, kế hoạch về giáo dục - đào tạo, kịp thời có phương án chỉnh sửa, khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong vùng nói riêng và cả nước nói chung…
Mỹ Hạnh