"Tai mắt" của nhân dân Đến tháng 7-2012, 146/146 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được Ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó có 64% Ban giám sát đầu tư cộng đồng riêng và 36% Ban Thanh tra nhân dân kiêm Ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Số lượng thành viên của các Ban này dao động từ 5 đến 9 người, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, còn hầu hết các ủy viên là Trưởng Ban công tác mặt trận ở khu dân cư.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tiến hành 764 cuộc giám sát. Nội dung giám sát được tập trung chủ yếu đối với những dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, chương trình nước sạch, trường học, nhà văn hóa… có nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp.
Thông qua hoạt động giám sát, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư thi công công trình; vi phạm về tiến độ kế hoạch đầu tư; vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp, phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát…
Theo đánh giá của ủy ban MTTQ tỉnh trong việc triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, ở nhiều địa phương Ban thường trực ủy ban MTTQ cấp xã đã phối hợp với chính quyền thực hiện công khai hóa các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư, các dự án đầu tư và các tài liệu có liên quan… trên địa bàn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, giúp đỡ Ban giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng kế hoạch và các điều kiện phục vụ việc giám sát, giải quyết những đề xuất, kiến nghị.
Nhìn chung, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, hướng dẫn của mặt trận cấp trên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoạt động tích cực, chủ động, tự giác không ngại khó, không ngại va chạm và với điều kiện, khả năng của mình tham gia các hoạt động giám sát.
Trên cơ sở quy chế hoạt động, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã chủ động lập kế hoạch giám sát và thực hiện phân công trách nhiệm cho từng thành viên, tổng hợp phản ánh ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền…
Từ những kết quả đạt được, công tác giám sát đầu tư cộng đồng đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí; những vi phạm được phát hiện và kiến nghị cơ bản được bên thi công khắc phục kịp thời, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Chủ yếu chỉ giám sát trực quan
Theo "Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng", phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Ban Giám sát cộng đồng phải tham gia nhiều khâu như đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án; phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình…
Vì vậy để khẳng định được vai trò "Thay mặt nhân dân giám sát công trình, dự án", những thành viên của Ban giám sát đầu tư cộng đồng cần có năng lực, trình độ và cần thêm rất nhiều sự hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền các địa phương để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn triển khai việc giám sát.
Cái khó đầu tiên mà rất nhiều Ban giám sát đầu tư cộng đồng gặp phải chính là khó tiếp cận với thông tin về công trình, dự án, đặc biệt là bản vẽ, thiết kế, hồ sơ quyết toán.
Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch ủy ban MTTQ xã kiêm Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Quang (Nho Quan) cho biết: Trong quá trình thực hiện quyền giám sát đối với công trình xây dựng Trường mầm non của xã vào thời điểm năm 2012, Ban giám sát đã hỏi xin đề án thiết kế nhưng không được tạo điều kiện, sau đó đã phải nhờ đến sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sự thiếu hợp tác này của nhà thầu và đơn vị thi công đã làm cho Ban giám sát thiếu đi một trong những cơ sở quan trọng nhất để tiến hành giám sát và vì vậy chỉ đến khi thi công mới có thể phát hiện các thiếu sót, vi phạm.
Theo "Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng", các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định đầu tư khi nhận được kiến nghị bằng văn bản của cộng đồng dân cư, phải xem xét, giải quyết trong thời gian 15 ngày làm việc.
Về hiện tượng một số nhà thầu, đơn vị thi công không hợp tác với Ban giám sát, ông Hoàng Thế Việt, Chủ tịch ủy ban MTTQ phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) cho rằng: Ngoài việc chủ đầu tư, đơn vị thi công sợ bị "đụng chạm" đến lợi ích của mình nên có thái độ không hợp tác hoặc cản trở hoạt động của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng thì một phần là do hiện nay chưa có chế tài xử lý những hành vi đó. Thậm chí nhiều người vẫn chưa nắm được các quy định về giám sát đầu tư cộng đồng, còn tư tưởng xem nhẹ, thờ ơ với vai trò, trách nhiệm của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, việc khó tiếp cận với thông tin về công trình, dự án không phải khi nào lỗi cũng thuộc về nhà thầu và đơn vị thi công. Một nguyên nhân khá phổ biến lại xuất phát từ chính những hạn chế trong năng lực, trình độ chuyên môn của các thành viên ban giám sát, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Đơn cử như Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Quang (Nho Quan) gồm 7 thành viên nhưng trong đó không có thành viên nào đã qua đào tạo về chuyên ngành xây dựng vì vậy khi gặp bản thiết kế với quá nhiều thuật ngữ chuyên môn ban giám sát đành "bó tay" và tiến hành giám sát theo kiểu trực quan, tức là chỉ quan sát trực tiếp quá trình thi công. Đó là chưa kể đến những thời điểm thi công vào ngày mưa, vào ban đêm thì việc quan sát cũng không thể đem đến hiệu quả như mong muốn.
Gỡ khó cho cơ sở
Nắm bắt được những khó khăn của cơ sở, trong 2 năm (2011-2012), Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư tổ chức 6 lớp tập huấn cho 1.301 học viên là cán bộ, chuyên viên cơ quan MTTQ tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những lớp tập huấn này cần được mở thường xuyên hơn nữa.
Một điều dễ dàng nhận thấy là hoạt động của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã góp phần hạn chế được lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước, nhưng kinh phí cho hoạt động lại rất eo hẹp…
Ông Hoàng Thế Việt, Chủ tịch MTTQ phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) băn khoăn: Mặc dù các cán bộ rất tận tâm, trách nhiệm với công việc nhưng thiếu kinh phí nên muốn tổ chức làm việc gì cũng khó thực hiện. Chưa kể để động viên, khuyến khích anh em tham gia công tác giám sát đầu tư cộng đồng, địa phương cũng khó có thể bố trí một khoản kinh phí nào khác.
Hiện nay, đội ngũ làm công tác này vẫn hoạt động tự nguyện theo kiểu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Theo thông tin từ MTTQ tỉnh: Mặc dù đã có đầy đủ hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, song nhìn chung việc áp dụng thực hiện ở một số nơi chưa đảm bảo theo đúng quy định, kinh phí hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng do ngân sách xã cân đối trong dự toán chi của MTTQ xã nên rất hạn hẹp, nhất là những xã miền núi, nơi tiếp nhận nhiều công trình dự án đầu tư nhưng ngân sách xã không đáp ứng được kinh phí cho hoạt động của Ban.
Thiết nghĩ, thời gian tới các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát đầu tư cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác này.
Bên cạnh đó, từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, ủy ban MTTQ các cấp cần chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện như chế độ công khai dự án, thông tin, tài liệu liên quan đến dự án; xây dựng kế hoạch giám sát; triển khai hoạt động giám sát; giải quyết các đề xuất, kiến nghị (nếu có); kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng… để ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động có hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác mặt trận, đặc biệt là Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã, phường, thị trấn, coi đây là nhân tố cơ bản và quyết định tới hiệu quả của công tác mặt trận tham gia thực hiện Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng.
Đặc biệt, cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp và đúng chức năng, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Rút kinh nghiệm qua thời gian triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị HĐND và UBND tỉnh cần quy định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền duyệt quy hoạch, dự án, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công và cơ quan quản lý Nhà nước… trong việc tạo điều kiện để các Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động theo đúng thẩm quyền quy định của pháp luật như chế độ công khai dự án, thông tin tài liệu liên quan đến dự án.
Đề nghị cần có quy định về mọi hoạt động đầu tư trên địa bàn xã, phường, thị trấn phải có sự tham gia giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và coi đây là văn bản pháp quy cần thiết để nghiệm thu quyết toán công trình. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với hoạt động này.
Trong kế hoạch dự toán phân bổ ngân sách hàng năm đề nghị HĐND tỉnh hướng dẫn HĐND cấp huyện và xã bố trí kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định của Thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch đầu tư-Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam-Bộ Tài chính.
Duy Hiền