Đồng chí Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã đã có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện, đặc thù của xã để tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng cánh đồng cấy lúa chất lượng cao, làm lúa+cá. Năm 2014, sản lượng lương thực cả năm của xã đạt 4.445,2 tấn, đạt 111,1% kế hoạch.
Dựa vào ưu thế của xã Trường Yên có Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư đứng chân trên địa bàn và một phần diện tích nằm trong Khu danh thắng Tràng An nên rất thuận lợi trong phát triển dịch vụ du lịch. Với 3.372 hộ/11.750 khẩu, hiện toàn xã có 698 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trên 50 hộ kinh doanh nhà hàng ăn, nghỉ, trên 1.000 lao động làm dịch vụ du lịch như chở đò, bán hàng lưu niệm, trên 100 hộ làm nghề gò hàn, nghề mộc; nhiều hộ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại với những con nuôi đặc sản, đặc trưng của xã như dê, cá rô Tổng Trường.
Nhằm tạo việc làm cho người lao động địa phương, xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trong huyện mở các lớp dạy nghề khâu chăn bông cho trên 100 lao động có nhu cầu học nghề.
Trước đây, thôn Trường An là một trong những thôn được coi là địa bàn khó thực hiện tiêu chí giảm nghèo, bằng nỗ lực của nhân dân trong thôn, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay hộ nghèo của thôn giảm đáng kể. Bà Dương Thị Chúc, Trưởng thôn cho biết: Thôn có địa hình chạy dài, số hộ dân sống quanh các thung núi, đường đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, sự giao lưu kinh tế, chính trị, xã hội của nhân dân trong thôn hạn chế rất nhiều. Nhân dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Vì thế, đời sống của nhân dân trong thôn khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ khi Nhà nước thu hồi đất 313 xây dựng Khu du lịch sinh thái Tràng An (chiếm 85% đất sản xuất nông nghiệp trong thôn), nên mỗi khẩu chỉ còn 100 m2 đất sản xuất. Như thế, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp 1 năm 2 vụ lúa thì mỗi khẩu sẽ chỉ có 60 đến 80 kg thóc/năm, đời sống nhân dân rất khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, các hộ trong thôn đã tìm nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ có khả năng kinh tế đã xây dựng các nhà hàng dịch vụ du lịch, nhiều người tham gia chở đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình như nuôi dê, trâu, bò, lợn phục vụ du lịch… Đồng thời, cùng với các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế của Nhà nước, hỗ trợ xây, sửa nhà cho người nghèo, hỗ trợ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi… đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện, thôn có 278 hộ/886 khẩu, có khoảng 70% người dân tham gia nghề lái đò du lịch, 13 hộ kinh doanh nhà hàng, 19 hộ phát triển gia trại chăn nuôi dê, bò, lợn, một số hộ làm nghề khác. Đổi thay rõ nhất của thôn đến nay 95% gia đình có nhà cao tầng kiên cố, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, kiên cố; an ninh trật tự thôn xóm ổn định; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 90%; hộ nghèo của xã năm 2013 còn 15 hộ, năm 2014 còn 7 hộ.
Với các giải pháp đồng bộ, hiện nay, công tác giảm nghèo của xã Trường Yên đã có những đổi thay tích cực, thu nhập bình quân người dân trong xã đạt 22 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2013. Năm 2013, xã còn 5,89% hộ nghèo, năm 2014 giảm còn 2,98%. 95% đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; 87,5% hộ đạt gia đình văn hóa; 15/16 thôn có nhà văn hóa; an ninh trật tự được đảm bảo. Xã phấn đấu năm 2016 đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hồng Vân