Song qua khảo sát hộ nghèo tháng 11-2007, số hộ nghèo trong huyện vẫn còn cao. Toàn huyện còn tới 9/23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40% tổng số hộ như Thạch Bình, Cúc Phương... Sau một năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nho Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được giao thông qua 6 chương trình hành động cụ thể.
Đi đôi với việc quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện, huyện đã tập trung đề ra các giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo như hỗ trợ cho các đối tượng nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong việc phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Trong năm 2008 đã có 2.873 hộ của 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ 79.317 kg phân đạm để chăm sóc lúa mùa, mức hỗ trợ 26,5 kg/hộ có từ 1 đến 4 nhân khẩu, 32 kg/hộ có 5 nhân khẩu trở lên. Tỉnh còn cấp bổ sung cho huyện 1.403 triệu đồng để hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với phương án hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai, lạc, giống gia cầm và phân đạm. Có 2.873 hộ được hỗ trợ với tổng số 6.070 kg giống lúa Nhị ưu 838, 8.996 kg giống lúa KD 18, 11.514 kg giống lạc, 2.786,5 kg giống ngô lai và 44.250 con giống gia cầm. Các xã miền núi có rừng phòng hộ ít xung yếu được phép chuyển đổi sang rừng kinh tế, giao cho các hộ quản lý, khai thác để có thu nhập từ rừng. Đến nay, huyện chuyển đổi xong 200 ha rừng tại các xã Thạch Bình, Gia Lâm, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc... Huyện còn khuyến khích việc đẩy mạnh phát triển nghề trồng nấm với trên 100 hộ tham gia đạt sản lượng trên 100 tấn nấm tươi/năm. Từ tháng 7-2008 đến nay đã sản xuất được trên 4 tấn nấm khô. Công ty TNHH nấm Hồng Ngọc đã có kế hoạch bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm do các hộ sản xuất ra theo hợp đồng đã ký kết.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch mở 27 lớp đào tạo nghề cho 1.100 lao động thuộc 9 xã nghèo trọng điểm bao gồm các nghề may công nghiệp, mây tre đan, đan bèo bồng, trồng nấm rơm, nuôi thỏ, làm chiếu trúc, hàn điện. Đến nay đã hoàn thành đề án dạy nghề may công nghiệp cho 520 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ 397,5 triệu đồng, đang triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề làm chiếu trúc cho 120 lao động với tổng số tiền hỗ trợ 58,9 triệu đồng, dạy nghề đan bèo bồng cho 160 lao động, kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng... 200 lao động đã được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần may Văn Phú, trên 100 lao động được tuyển chọn vào làm việc tại Công ty may Thăng Long, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 1-1,2 triệu đồng/tháng.
Huyện còn quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vào địa bàn xã nghèo. Phát triển chợ nông thôn trên địa bàn các xã nghèo nhằm mở rộng giao lưu hàng hóa, tạo việc làm cho người nghèo. Trong năm 2008, huyện được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí tại chỗ để xây dựng, nâng cấp chợ xã Thạch Bình, Kỳ Phú.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các ngành trong huyện đã thực hiện giải pháp tăng cường nguồn vốn cho vay nhằm thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo. Tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trên địa bàn huyện tính đến hết năm 2008 là 137.477 triệu đồng, 18.515 hộ. Số hộ nghèo được vay vốn là 11.072 hộ, số tiền 51.051 triệu đồng, riêng 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao có 3.616 hộ được vay, số tiền 15.727 triệu đồng. Các hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhiều hộ đầu tư vào chăn nuôi, từ đó đàn trâu, bò tăng 238 con, lợn nái tăng 157 con, dê 43 con..., nhiều hộ có thu nhập ổn định, 2 năm 2007, 2008 có 216 hộ/620 hộ được vay vốn ưu đãi đã thoát nghèo, trong đó có 118 hộ thuộc 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thực hiện kế hoạch của HĐND tỉnh về thực hiện hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Qua khảo sát, thống kê toàn huyện có 329 hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ làm mới, sửa chữa, cải tạo. Đợt I-2008, toàn huyện đã có 148 hộ khởi công xây dựng, sửa chữa nhà, 144 hộ hoàn thành đúng tiến độ, tổng kinh phí hỗ trợ là 2.612,5 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 2.351,25 triệu đồng. Về ngày công, đã huy động được 9.498 ngày công (trị giá khoảng 379 triệu đồng). Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ đợt II với tổng số 180 hộ, trong đó xây mới 121 nhà, sửa chữa, cải tạo 59 nhà. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách đã tạo nên không khí phấn khởi trong nhân dân, các hộ có nhà ở kiên cố yên tâm lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Kết quả đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo, cụm xã nghèo ở Nho Quan cũng được triển khai thực hiện đúng thời gian, tiến độ và bảo đảm thi công với chất lượng như nạo vét, nâng cấp 7 hồ nhỏ cấp nước tại xã Thạch Bình, xây dựng trạm xá xã Kỳ Phú, Thượng Hòa, xây dựng Trường THCS Thạch Bình, Tiểu học Cúc Phương, trạm biến áp tại xã Kỳ Phú. Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các hạng mục, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã nghèo trọng điểm đã được triển khai, cơ bản hoàn thành, trong đó một số công trình vượt khối lượng.
Lê Thanh