Hội Nông dân xã có 695 hội viên tham gia sinh hoạt tại 10 chi hội. Kinh nghiệm của Hội nông dân xã qua nhiều năm thực hiện công tác giảm nghèo cho thấy, bên cạnh việc quan tâm sản xuất nông nghiệp, việc tuyên truyền, vận động hội viên tiếp thu KHKT, tham gia tập huấn chuyển giao KHKT để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương là hết sức cần thiết và quan trọng. Do đó, trong sinh hoạt Hội, các chi hội đã triển khai thực hiện tốt việc vận động, hướng hội viên vào các nội dung của chương trình phát triển kinh tế, tổ chức một số mô hình làm điểm để nhân ra diện rộng... Đối với Hội Nông dân xã, việc quan tâm làm tốt các biện pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: tín chấp vay vốn, xây dựng quỹ Hội, chuyển giao KHKT, hoạt động tương thân, tương ái, làm nghề phụ... được Hội chú trọng. Do đó, trung bình mỗi năm, riêng Hội Nông dân đã giúp đỡ được hàng chục hội viên thoát nghèo, không để còn tình trạng hội viên tái nghèo, thoát nghèo chưa bền vững.
Hội Nông dân xã được Đảng ủy xã Yên Sơn phân công nhiệm vụ cùng các đoàn thể trong xã giúp đỡ 221 hộ nghèo, trong đó hội viên nông dân là 109 hộ nghèo. Ban thường vụ Hội Nông dân xã đã họp và thống nhất giao cho 10 đồng chí chi hội trưởng có trách nhiệm quản lý, giúp đỡ hội viên thuộc diện hộ nghèo. Ngay trong năm 2008, thông qua việc tín chấp từ Ngân hàng chính sách xã hội, 576 hội viên được vay số vốn hơn 2,9 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ Hội 28 triệu đồng, các chi hội tổ chức bình xét, cho hội viên nghèo vay không tính lãi để làm ăn. Phát huy thế mạnh, tiềm năng từ mô hình trang trại được hình thành và phát triển ở địa phương từ nhiều năm nay, Hội nông dân xã đã vận động hội viên đầu tư chăn nuôi đại gia súc, làm mô hình trang trại cây ăn quả... Thuận lợi của hội viên nông dân xã Yên Sơn, nhất là đối với hội viên làm mô hình chăn nuôi là từ tháng 6/2008 đã thành lập được một tổ hợp chăn nuôi "con heo vàng" gồm 19 thành viên. Đây là mô hình được sự tài trợ từ công ty thức ăn gia súc Con heo vàng. Khi là thành viên của tổ hợp, mỗi hộ chăn nuôi được chuyển giao KHKT, được hỗ trợ đầu tư sửa chữa chuồng trại, cung cấp phương tiện chăn nuôi, cung ứng thức ăn theo phương thức trả chậm, giúp đỡ về đầu tư cho sản phẩm... Do đó, nhiều hội viên triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn có thêm điều kiện duy trì và phát triển mô hình. Hiệu quả bước đầu khiến nhiều hội viên nông dân phấn khởi và hướng của Hội Nông dân xã sẽ thành lập thêm một tổ hợp chăn nuôi để người nông dân được giúp đỡ, nhất là trong quá trình thoát nghèo.
Theo đồng chí Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Không chỉ "dựa" vào sản xuất nông nghiệp với thu nhập từ 3 vụ lúa trong năm, trong đó có vụ lúa tái sinh cho năng suất khá, hội viên nông dân trong xã còn có thêm thu nhập từ việc tham gia lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Vào thời điểm nông nhàn, gần 400 lao động tích cực làm việc tại Nhà máy gạch Đại Sơn, khoảng 200 lao động làm việc tại công ty TNHH xây dựng Đoàn Phương và 10 tổ hợp xây dựng... cho thu nhập từ 1- 2 triệu đồng/người/tháng. Do đó, việc làm đối với hội viên nông dân được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Trong năm 2007, toàn Hội đã giúp cho 47 hội viên thoát nghèo từ các hoạt động kể trên. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, toàn Hội phấn đấu mỗi năm sẽ giúp cho 20- 30 hội viên thoát nghèo và đến năm 2010, toàn Hội nông dân xã chỉ còn 31 hội viên nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống mức thấp nhất.
Bài, ảnh: Lý Nhân