Để có sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân, những năm qua Đảng và Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe, tăng cường đối thoại với các tầng lớp nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng, nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được coi trọng. Tuy nhiên, trong những năm qua mặt trái của cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Ở một số nơi, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra, thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội. Thực tế cho thấy, vấn đề bức xúc trong Đảng, trong nhân dân thường nảy sinh khi những sai phạm kéo dài không được giải quyết triệt để trên các lĩnh vực về tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, công tác cán bộ, việc thực hiện chế độ, chính sách, về thủ tục hành chính và về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức.
Để giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, trước hết phải không ngừng đổi mới việc đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân, phù hợp với luật pháp. Mặt khác phải có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm về trách nhiệm phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng, trước nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân; thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân và định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Đỗ Bằng