Thực tế cho thấy, thời gian qua do sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc tuyển sinh của các trường đào tạo nghề nên công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn, chất lượng học sinh đầu vào còn thấp, dẫn đến ý thức chấp hành kỷ luật của học sinh kém, khả năng tiếp thu kiến thức trong quá trình học còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, có một bộ phận học sinh do nhận thức chưa đúng về việc học nghề nên khi vào học vẫn chưa toàn tâm, toàn ý cho việc học tập. Vì vậy khi ra trường không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của nhà tuyển dụng.
Ngoài những nguyên nhân từ phía học sinh, sinh viên, còn có những hạn chế từ phía đội ngũ các thầy, cô giáo. Tình trạng "dạy chay, học chay" vẫn còn tái diễn, nhiều giáo viên còn chậm tiếp thu, cập nhật các tri thức khoa học mới, có những thầy, cô giáo trình độ về Tin học, ngoại ngữ còn hạn chế, không chủ động tự học, tự nâng cao trình độ nên bài giảng còn đơn điệu, nhàm chán… Một số giáo viên còn hạn chế trong phương pháp sư phạm khiến việc truyền thụ kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng ít nhiều.
Sau khi nghiên cứu kỹ những điều kiện thực tế khách quan, chủ quan của Trường, lãnh đạo nhà trường đã xác định và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Đầu tiên phải xác định khâu đột phá để nâng tầm chất lượng giáo dục - đào tạo chính là vấn đề đội ngũ cán bộ, giáo viên; điều kiện về cơ sở vật chất và yếu tố môi trường học tập. Một mặt nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp cũ vẫn còn phát huy hiệu quả đó là: Khuyến khích giáo viên học tập, hoàn thiện về bằng cấp, chuẩn hóa về kiến thức; không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Về phía học sinh, vừa khuyến khích việc học tập, rèn luyện và đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ quá trình học tập, thi cử. Bên cạnh đó nhà trường còn tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình giảng dạy nhằm đảm bảo các kỹ năng về nghề cho học sinh phát huy triệt để phương châm "Học đi đôi với hành".
Khi đội ngũ giáo viên về cơ bản đã được chuẩn hóa, cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đồng bộ thì điểm quan trọng nhất là tạo ra môi trường dạy và học tốt. Về điểm này có thể xem như then chốt phát huy các tác dụng của hai nhân tố trên.
Trọng tâm của giải pháp về môi trường học tập, giảng dạy là khuyến khích tính dân chủ và tích cực của cả học sinh lẫn thầy, cô giáo. Thể hiện cụ thể ở việc từ năm 2010, nhà trường mạnh dạn thực hiện việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo và đánh giá chất lượng giáo viên thông qua cán sự lớp, cán bộ đoàn. Đây là việc làm được dư luận xã hội quan tâm và được đại đa số cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường hoan nghênh, ủng hộ. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, thăm dò dư luận, căn cứ vào kết quả bỏ phiếu, nhà trường đã kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng tới đạo đức nhà giáo, tạo ra áp lực dư luận buộc các thầy, cô giáo phải không ngừng trau dồi, rèn luyện cả năng lực chuyên môn lẫn tư cách đạo đức, tác phong mẫu mực trong ứng xử với học sinh, sinh viên.
Ngược lại, các học sinh, sinh viên thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhận thức được quyền lợi của mình khi được bày tỏ quan điểm qua lá phiếu, ý thức được trách nhiệm của mình với nhiệm vụ học tập, tu dưỡng. Mọi thông tin từ phía dư luận đối với mỗi cán bộ, giáo viên đều được kiểm tra, xác minh, xem xét kỹ càng để tránh tình trạng thành kiến, một chiều hay lợi dụng dân chủ để làm mất uy tín người khác.
Có thể nói, việc vận dụng đúng đắn và thành công giải pháp lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo và đánh giá chất lượng giáo viên thông qua cán sự lớp trong 2 năm qua thực sự đã tạo nên bước chuyển biến căn bản về chất lượng dạy và học của thầy, trò nhà trường, giúp tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, theo hướng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bản thân mỗi giáo viên, qua việc bỏ phiếu cũng rút được kinh nghiệm tự hoàn thiện mình, nâng cao trách nhiệm đối với nghề.
Những tác động tích cực từ phía giáo viên đã có hiệu ứng trực tiếp đến kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên. Năm học 2010-2011, Trường đào tạo được 3.563 học sinh, sinh viên, trong đó Cao đẳng 1.013 chỉ tiêu; TCCN 481; Trung cấp nghề 1.100; đào tạo liên kết 152; đào tạo ngắn hạn 817. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,8%; khá, giỏi 36,8% (hệ cao đẳng nghề đạt 46,2%).
Tháng 4-2010, tại hội thi học sinh giỏi tay nghề cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp & PTNN), đội tuyển của trường có 12 học sinh dự thi, thì cả 12 học sinh đoạt giải, trong đó có 8 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba. Tháng 4-2012, đội tuyển cử 13 học sinh dự thi, trong đó có 10 giải nhất, 3 giải nhì… Xếp thứ nhất toàn đoàn. Tháng 7-2010, có 9 học sinh tham dự thi tay nghề Quốc gia thì có 6 học sinh đoạt giải, trong đó có 4 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba.
Tháng 11-2010, tại hội thi tay nghề khối ASEAN, được tổ chức tại Thái Lan, Trường có 2 học sinh tham gia trong thành phần đội tuyển Quốc gia, cả 2 đều đạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối.
Đặc biệt, trong hội thi tay nghề quốc tế tổ chức tại Vương quốc Anh tháng 10-2011, nhà trường vinh dự có 1 học sinh tham gia đội tuyển Quốc gia và đạt thành tích "Chứng chỉ nghề xuất sắc", xếp thứ 5/17 thí sinh quốc tế tham dự thi, đóng góp chung vào thành tích của đoàn Việt Nam, đem vinh quang, tự hào về cho Tổ quốc.
Tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt 71,2% (theo số liệu thống kê khảo sát KĐCL đánh giá trong năm 2010).
Những số liệu trên một lần nữa chứng minh các giải pháp đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp đã được thực hiện một cách có hiệu quả, khẳng định tính đúng đắn của giải pháp này.
Vũ Tường Nhuệ