CÒN NHIỀU BẤT CẬP TRONG XỬ LÝ, THU GOM RÁC THẢI NÔNG THÔN
Từ góc nhìn Gia TiếnNăm 2016, Gia Tiến (Gia Viễn) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với đặc thù là một xã ven sông, công tác thu gom rác thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường sống trong lành ở đây lại đang trở thành mối lo cho nhiều người. Trên tuyến đê Hoàng Long, đoạn chạy qua địa bàn xã Gia Tiến, những bao tải rác lớn, nhỏ vứt tràn lan, túi nilon bay khắp nơi. "Chủ yếu họ vứt rác vào buổi tối và sáng sớm.
Chiều hôm trước về không thấy gì nhưng sáng hôm sau tôi đuổi bò ra đã thấy đầy các bao rác. Dân ở đây, rồi dân tứ xứ, tiện đi đâu qua thì họ mang rác ra đây vứt thôi. Nhiều khi tôi phải nhặt vứt đi không bò ăn vào không tiêu được, chết cả bò", một người chăn bò ở thôn Đại Quang, xã Gia Tiến cho biết.
Đó là ở tuyến đường ven đê, còn đi sâu vào trong làng, tìm đến bãi tập kết rác chung của xã, cảnh tượng mới thực sự khiến chúng tôi "rùng mình". Con đường dẫn vào đây khá lớn, rộng chừng 7-8m, thế nhưng đoạn đường có thể di chuyển được chỉ chừng 3-4m.
Những "chướng ngại vật" rác thải đã lấn chiếm đến quá nửa phần đường. Gặp một chiếc xe đi ngược chiều, chúng tôi đành dừng lại và nép sát vào phía bên thì chiếc xe tải mới có thể đi qua. Tình trạng ô nhiễm đó trên diện rộng cả trăm mét, nhưng lạ thay, chính tại điểm được quy hoạch để tập kết rác thải của xã lại để không.
Chị Trần Thị Thu là một hộ dân sống gần đây cho biết: Đây là nơi tập trung bãi rác của 3 xã Gia Tiến, Gia Trung, Gia Tân. Hàng tuần, những chiếc xe chở rác thải về đây để tập kết. Họ đổ ra hai bên vệ đường, tràn lên cả phần đường bê-tông. Có thời điểm, rác ngập ngụa cả con đường. Không có đường đi lại, tôi và mấy hộ dân sống gần đây phải tự bảo nhau ra dọn dẹp, mở ra một lối nhỏ để qua lại.
Theo như chị Phạm Thị Vui, một hộ dân ở Gia Tân cũng cho biết: Khoảng 1 tháng mới có người ra đốt rác một lần, nhưng với lượng rác tập kết lớn như vậy, 1 tuần đốt 1 lần cũng chưa đủ chứ không nói đến 1 tháng 1 lần.
Gia đình tôi nuôi thủy sản tại Khu nuôi trồng thủy sản của xã Gia Tân này đã lâu, trước có một ngôi nhà tạm ở phía gần bãi rác, song do mùi hôi quá nồng nặc, không chịu được nên phải chuyển ra xa, hiện ngôi nhà đó chỉ khóa cửa để không.
Được biết, mặc dù đã được công nhận là xã nông thôn mới nhưng hiện Gia Tiến có 5 thôn, thì mới có 3 thôn (Hán Nam, Hán Bắc và Đồng Tiến) thành lập và duy trì được các tổ thu gom rác thải, còn lại thôn ven đê Thuận Phong và Đại Quang chưa có tổ thu gom rác mà người dân tự xử lý.
Lượng thải nhiều, kinh phí thấp
Đi tìm nguyên nhân vì sao rác thải nông thôn tại xã Gia Tiến lại ở trong tình trạng đáng lo ngại như vậy thì được đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tiến Lâm Quang Thao giãi bày: Để đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, từ 2 năm trước xã đã vận động thành lập các tổ thu gom rác để thu gom rác từ các hộ gia đình và vận chuyển đến điểm tập kết mà xã đã quy hoạch.
Tuy nhiên, do ngân sách địa phương khó khăn nên toàn bộ kinh phí hoạt động của các tổ này đều do người dân đóng góp với mức 4-5 nghìn đồng/khẩu/tháng.
Tính ra mỗi thành viên của tổ thu gom rác như vậy chỉ nhận được mức thù lao từ 1,5-1,6 triệu đồng/1 tháng trong khi đó khối lượng công việc nhiều, độc hại nên chính quyền xã phải vận động, thuyết phục rất nhiều thì họ mới không bỏ việc.
Còn về điểm tập kết rác tập trung của xã, do đây là điểm giáp ranh với 2 xã Gia Trung, Gia Tân lại nằm trên tuyến đường chính, giao thông đi lại thuận lợi, do vậy xảy ra tình trạng đổ rác trộm.
Chúng tôi đã từng có ý định tổ chức một đội bảo vệ, quản lý bãi rác, song dự trù chi phí quá cao, ngân sách địa phương không thể đáp ứng nên chưa triển khai thực hiện được.
Những khó khăn hiện nay của Gia Tiến có lẽ cũng là khó khăn chung của nhiều khu vực nông thôn hiện nay trong xử lý rác thải sinh hoạt.
Được biết, ngoài một số ít xã, thị trấn ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom rác thải từ khu dân cư ra điểm tập kết, một số xã xây dựng mô hình lò đốt rác tại hộ gia đình hoặc được trang bị lò đốt rác quy mô nhỏ như mô hình lò đốt rác Losiho tại xã Khánh Thiện (Yên Khánh)… hầu hết các xã còn lại áp dụng mô hình thành lập tổ thu gom tự quản.
Hiệu quả lớn nhất của mô hình là đưa được lượng rác lớn trong khu dân cư ra điểm tập kết; chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Thông thường ở các xã 2-3 ngày, thậm chí có nơi 7 ngày mới thu gom rác một lần.
Bên cạnh đó, các vệ sinh viên không được đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ thấp, trung bình chỉ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên ít người nhiệt tình, gắn bó với công việc.
Đã vậy, khi thu phí vệ sinh môi trường, không phải hộ dân nào cũng hiểu và chấp hành. Vì thế, tại nhiều địa phương, không có người nhận làm công việc này và ngõ, xóm phải tự chia lượt thực hiện vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, một bất cập nữa là việc xử lý rác tại các bãi rác tập trung quy mô cấp xã. Hiện nay, các điểm tập kết rác của các xã thường được bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm...
Đã vậy, đối với những xã không ký hợp đồng vận chuyển rác đi xử lý ở khu xử lý rác tập trung của tỉnh thì rác thải trở nên quá tải, việc xử lý, chôn lấp hoặc đốt rất hạn chế. Rác được đổ bừa bãi, không đúng quây khu quy định, đổ tràn lan ra đường; hàng ngày không được phun thuốc xử lý mùi, khử ruồi nhặng hay chôn lấp mà để cả tháng mới đổ dầu đốt thủ công 1 lần. Việc đốt này cũng phát thải ra nhiều khí rất độc hại, gây không ít bức xúc trong nhân dân.
CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ VÀ LÂU DÀI
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải sinh hoạt ước tính lên đến trên 450 tấn/ngày, trong đó rác thải ở các địa bàn nông thôn chiếm trên 65%. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển đi xử lý tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp đã đạt tỷ lệ gần 100%; nhưng tại các khu vực nông thôn mới đạt 5 - 10%.
Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh đến năm 2020 là 982 tấn/ngày và giai đoạn 2020-2030 là 1.426 tấn/ngày. Vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề môi trường nông thôn, góp phần thực hiện thành công tiêu chí về môi trường trong nông thôn mới rất cần có những giải pháp mang tính chất lâu dài. Với tính cấp bách về xử lý rác thải, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 (Theo Quyết định số 245/QĐ-UB ngày 9/4/2013).
Theo đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Trong đó, vấn đề rác thải nông thôn cũng được xác định là nội dung quan trọng với mục tiêu đến năm 2020 có 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; đến năm 2030 có 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Đồng chí Lâm Quang Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tiến cho rằng, trong khi tại địa bàn thành thị, việc thu gom rác thải được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thì địa bàn nông thôn lại không được hỗ trợ.
Do đó, chính quyền xã rất mong các cấp, các ngành có liên quan xem xét, nghiên cứu việc phân bổ ngân sách phục vụ cho công tác này tại địa phương. Thực tế chính quyền xã đã tính đến phương án vận chuyển rác thải đến khu xử lý tập trung của tỉnh, xóa bỏ tình trạng quá tải rác tại điểm tập kết rác.
Tuy nhiên, dự trù kinh phí cho 1 chuyến xe vận chuyển như vậy lên tới cả chục triệu đồng, trong khi đó với định mức hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới thì cả năm xã chỉ nhận được 50 triệu đồng nên hiện tại xã vẫn chưa thực hiện được việc này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thu gom rác thải nói riêng trên địa bàn thôn, xã nào thì thôn, xã đó thực hiện. Nếu cán bộ thôn, xã trách nhiệm thì việc thu gom rác được thực hiện tốt, nếu cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm thì công việc không hiệu quả.
Ngoài ra, để các vệ sinh viên yên tâm gắn bó làm tốt công việc thì cần quan tâm hơn đến các chế độ phúc lợi cho họ. Bà Nguyễn Thị Huệ, thành viên tổ thu gom rác thải thôn Hán Nam, xã Gia Tiến (Gia Viễn) mong muốn: Công việc của chúng tôi khá nặng nhọc lại phải thường xuyên tiếp xúc với những chất thải độc hại nên rất cần được Nhà nước quan tâm cho hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để yên tâm công tác.
Còn theo ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị huyện Yên Mô, hiện nay rác thải ở khu vực nông thôn có tỷ lệ lớn là rác thải hữu cơ. Loại rác thải này rất dễ phân hủy và có thể tận dụng để xử lý làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, rất cần sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học trong việc hướng dẫn người dân phân loại và tiếp nhận, ứng dụng khoa học nhằm chuyển đổi loại rác thải này thành các sản phẩm có ích, giảm tải khối lượng rác phải đưa đi xử lý.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tác dụng của việc bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm các quy định về thu gom rác thải và nộp phí đầy đủ.
Nhằm làm rõ hơn về thực trạng của vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn hiện nay, chúng tôi đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, câu trả lời chúng tôi nhận được là vấn đề rác thải nông thôn hiện được bàn giao trực tiếp cho chính quyền cấp huyện quản lý nên Sở không có trách nhiệm trả lời, còn việc quản lý chung trên địa bàn tỉnh hiện Sở vẫn đang nghiên cứu và tổng hợp thông tin...
Thiết nghĩ, tỉnh nên có quy định hoặc hướng dẫn chung cho các địa phương trong vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn. Với tình trạng như hiện nay khi ngân sách nhà nước của các huyện, xã dành cho xử lý rác thải nông thôn còn hạn chế thì việc tự lo của chính quyền các cấp sẽ dẫn tới thiếu đồng bộ, không hiệu quả và không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Nguyễn Lựu-Thái Học