Phóng viên (PV): Chị có thể cho biết con đường đến với nghề báo của mình?
Nhà báo Phạm Thị Thanh Thu: Với mong ước được đi đến nhiều nơi, được làm một công việc năng động, sáng tạo, ước mơ trở thành một nữ nhà báo đã được tôi ấp ủ ngay từ khi còn học THCS và THPT. Đó cũng là lý do mà một cô bé vùng quê như tôi quyết tâm lên thành phố để theo học lớp chuyên Văn của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Tiếp đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi tôi quyết định gửi gắm để chinh phục ước mơ của mình.
Tốt nghiệp học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình từ tháng 10/2012. Những năm tháng đầu tiên về Đài công tác, là một phóng viên trẻ, tôi luôn nỗ lực cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đồng nghiệp, mang nhiệt huyết, sức trẻ để lăn lội, tìm tòi những đề tài hay, những cách thể hiện mới; đem đến cho khán giả những cái nhìn đa chiều, chân thực; góp phần vào việc đổi mới các chương trình truyền hình của Đài trong những năm qua.
PV: Giải truyền hình toàn quốc là giải thưởng mà nhiều nhà báo luôn phấn đấu để đạt được. Khi làm phóng sự và gửi tác phẩm dự thi, chị có thấy bất ngờ khi mình được giải cao như vậy?
Nhà báo Phạm Thị Thanh Thu: Thực sự là bản thân tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ. Bởi vì mặc dù đã vào Đài công tác được hơn 5 năm nhưng vì nhiều lý do nên tôi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào. "Liên hoan truyền hình toàn quốc" là cuộc thi đầu tiên mà tôi tham gia, song đã may mắn giành Huy chương Bạc ở thể loại phóng sự với tác phẩm "Ngọc trong nước ngọt". Do vậy, bất ngờ, vinh dự và tự hào là những cảm xúc khi tên cơ quan làm việc của mình - Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình được vinh danh, tên tác phẩm- "con đẻ" của mình - "Ngọc trong nước ngọt" được gọi tên tại Lễ trao giải.
Theo cá nhân tôi, đối với một tác phẩm truyền hình, điều đầu tiên, mang yếu tố quan trọng và quyết định là lựa chọn đề tài. Nhìn lại các kỳ liên hoan trước, hầu hết các tác phẩm đạt giải đều là những đề tài hay, độc đáo, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Để tìm được một đề tài như vậy thật không dễ, trong khi ở tỉnh Ninh Bình có diện tích nhỏ, dân số ít, văn hóa vùng miền không quá khác biệt, những gương điển hình chưa thực sự nổi bật. Trăn trở rất nhiều với việc tìm đề tài và tác phẩm "Ngọc trong nước ngọt" đến với tôi như một cơ duyên. Thực ra tôi đã biết đến mô hình nuôi ngọc trai của anh Đinh Quốc Việt ở xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh từ những năm trước khi còn đang theo dõi chuyên mục "Khoa học kỹ thuật và công nghệ", tuy nhiên tôi không để tâm nhiều về câu chuyện này.
PV: Chị đã chọn đề tài và thực hiện nó như thế nào để đoạt được giải thưởng cao như vậy tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay?
Nhà báo Phạm Thị Thanh Thu: Tháng 9/2017, phòng Chuyên đề - Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình phát động mỗi phóng viên thực hiện một tác phẩm để lựa chọn tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37. Tìm hiểu về các đề tài, tham khảo thêm cơ sở, bạn bè, đồng nghiệp, nhất là nắm được câu chuyện vươn lên thoát nghèo của nhân vật, tôi nhận thấy đề tài nuôi ngọc trai nước ngọt có tính khả thi cao. 24 năm lập nghiệp - 5 lần thất bại, từ người nông dân rời quê hương với 2 bàn tay trắng trở thành tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương, anh Đinh Quốc Việt là người nông dân đầu tiên đã thử nghiệm thành công với mô hình nuôi trai nước ngọt và đã giúp rất nhiều người nông dân khác trên cả nước cũng đã thành công, trở thành những tỷ phú. Câu chuyện nuôi trai nước ngọt của anh Việt trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Có những lần thất bại trắng tay, những lần thử nghiệm thành công nhưng xuyên suốt tất cả vẫn là ý chí, nghị lực của một người nông dân với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, khẳng định sức sáng tạo, bàn tay, khối óc của con người Việt Nam không thua kém một quốc gia nào trên thế giới. Câu chuyện thoát nghèo của anh Đinh Quốc Việt trở thành nguồn cảm hứng để tôi làm nên tác phẩm "Ngọc trong nước ngọt".
Sau khi xác định được đề tài, một việc khó là thể hiện như thế nào cho hấp dẫn, thu hút người xem, đòi hỏi sự sáng tạo và chuyên nghiệp của người làm nghề. Đối với một tác phẩm truyền hình, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của người xem là hình ảnh và âm thanh. Do đó, trong quá trình tác nghiệp, nhóm chúng tôi thực hiện luôn chú ý sử dụng những âm thanh chân thật như tiếng nước chuyển động, tiếng bóc tách vỏ trai, tiếng đồng hồ chạy trong đêm... Cùng với đó, hình ảnh sử dụng nhiều là những cảnh cận đặc tả nhằm tôn vinh nhân vật chính, gắn với hình ảnh những viên ngọc trai được quay kỹ, thể hiện rõ nét đẹp, độ sáng bóng và sang trọng của viên ngọc. Để làm được những điều này, những phóng viên quay phim cũng đã phải nỗ lực rất nhiều, tận dụng mọi thiết bị hiện có, sử dụng các ánh sáng và màu sắc... Đặc biệt trong tác phẩm, câu chuyện của nhân vật được kể lại chủ yếu bằng lời độc thoại của nhân vật và những người trong cuộc, sự tham gia của lời bình trong tác phẩm được hạn chế đến mức thấp nhất để để tăng tính chân thật cũng như để phù hợp với tiêu chí của một phóng sự hiện đại: lời bình ngắn gọn, súc tích, thể hiện chủ yếu bằng hình ảnh và âm thanh.
PV: Theo chị, làm báo thời công nghệ số, ngoài tình yêu nghề thì cần thêm những yếu tố gì? Là 1 phóng viên trẻ, chị mong muốn và dự định gì trong phát triển nghề nghiệp thời gian tới?
Nhà báo Phạm Thị Thanh Thu: Đúng là làm báo thời công nghệ số mang đến cho người làm báo nói chung, những nhà báo trẻ như chúng tôi nói riêng nhiều cơ hội thuận lợi song cũng đặt ra không ít thách thức. Cơ hội của thời công nghệ số đó là việc khai thác, tiếp cận thông tin phong phú, trang thiết bị máy móc hiện đại, kết nối rộng khắp, cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tác nghiệp của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cũng không ít, đó là sự cạnh tranh giữa các mạng xã hội, thông tin đa chiều, nhiễu loạn, đòi hỏi mỗi nhà báo ngoài tình yêu nghề, sự đam mê, giữ được lửa nghề thì cần phải trau dồi tri thức, không ngừng học hỏi, đặc biệt có nhận thức chính trị đúng đắn, tác nghiệp theo tôn chỉ, mục đích. Hơn nữa, nghề báo là một nghề lao động đặc thù bằng chất xám nên mỗi nhà báo phải luôn luôn tìm tòi, thường xuyên cập nhập, nắm bắt những thay đổi của xã hội hiện đại. Vì vậy, nhiệm vụ cần thiết và cũng là bắt buộc đối với những nhà báo trẻ như chúng tôi hiện nay là không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tích cực tiếp cận với những cách làm truyền hình hiện đại, cung cấp cho người xem những tác phẩm hay, thiết thực với cuộc sống.
Đối với bản thân tôi, sau khi tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc, tôi nhận ra một điều rằng, các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ nên tham gia các cuộc thi, hội thi bởi đó là cơ hội để các nhà báo thử sức, rèn luyện, nỗ lực để có được những tác phẩm báo chí hay, chất lượng. Giải thưởng Huy chương Bạc vừa qua cũng là nguồn động viên to lớn cho tôi và những đồng nghiệp tại Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình rằng, để đạt được giải thưởng quốc gia không khó, vấn đề là nhà báo biết tìm tòi khai thác và thể hiện đề tài như thế nào? Bản thân tôi cũng sẽ đặt cho mình những mục tiêu mới, trong đó tiếp tục nỗ lực làm việc, cống hiến để có những tác phẩm hay, đạt chất lượng cao phục vụ khán giả xem truyền hình.
Phóng viên: Xin cảm ơn chị!
Hồng Vân