Xóm 1, xã Gia Vượng là xóm còn khá đông các hộ gia đình đang làm nghề nón lá truyền thống, với 30 hộ. Hàng ngày, tại mỗi điểm sinh hoạt chung như nhà văn hóa xóm hay các gốc cây cổ thụ, phụ nữ trong xóm lại quần tụ với nhau cùng làm nón lá rất đông vui. Bác Đỗ Thị Sửu, 70 tuổi, xóm 1 cho biết: Ngay từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ truyền nghề khâu nón lá. Ngày ấy, mỗi gia đình như một xưởng sản xuất nhỏ, các thành viên trong gia đình đảm nhiệm một khâu làm nón như người giở lá, người là lá, người làm vanh, người lót cân đối 2 lớp lá và 1 lớp mo cau, rồi khâu vòng quanh, trẻ em thì làm nhôi (luồn 2 bên nón, phần buộc quai), làm chúp nhỏ đỉnh nón… Trong đó, khâu là lá là một công đoạn rất khó bởi không khéo sẽ làm rách lá, khi lá đã rách thì không thể làm được. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài theo từng lớp vanh nhỏ đến lớn được dàn đều theo khung hình nón. Những mũi kim thẳng tắp ấy vừa để cố định những vanh tròn và lá lại như vừa để trang trí, tạo sự độc đáo cho chiếc nón. Mỗi chiếc nón khi làm xong còn được quăng dầu bóng, đẹp, không bị mốc khi gặp nước. Hiện nay, tùy vào thị hiếu của khách hàng mà mỗi sản phẩm nón có thể để mộc hoặc quăng dầu bóng. Khi đã tự tay hoàn thiện chiếc nón chắc chắn, được khách hàng hài lòng làm cho mỗi người thợ làng nghề như tôi càng có động lực, tiếp tục gửi hồn quê vào sản phẩm mang đậm nét hồn cốt quê hương này. Đến nay, tôi đã truyền nghề cho con và cháu nội, để từng đời con cháu Gia Vượng mãi giữ nghề truyền thống của quê hương.
Đối với cô Nguyễn Thị Oanh, 61 tuổi, ở xóm 2, thì cô về xã Gia Vượng làm dâu đã 40 năm và được học nghề làm nón lá từ đó "Về làm dâu vùng quê có nghề truyền thống, tôi được gia đình chồng truyền nghề làm nón. Mặc dù nghề làm nón không cho thu nhập cao, làm miệt mài có thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, nghề có thể chủ động được thời gian, tranh thủ lo việc gia đình, chăm sóc con cháu. Nghề làm nón lá tuy không quá khó nhưng để có sản phẩm chiếc nón đẹp, chắc chắn, lá nón trắng đều, đường chỉ đều thì người thợ làm nón cũng phải gửi tâm huyết trong từng sản phẩm. Khó hơn cả là làm nón cưới, mỗi chiếc nón cưới cần người thợ có tay nghề lâu năm, các công đoạn chọn lá phải trắng đẹp, lớp mo lót nón mỏng, nhẹ, đường khâu vanh nón chắc tay, đều đẹp, mối quấn nón đều, mịn, trong mặt nón thêu trang trí biểu tượng hạnh phúc, tên đôi uyên ương... Giá trung bình mỗi chiếc nón thường là 45-60 nghìn, chiếc nón cưới từ 150-200 nghìn đồng. Các sản phẩm hoàn thiện luôn được khách đến mua hết, không bị tồn hàng, do đó đã động viên những người làm nghề như tôi cố gắng duy trì nghề"- cô Oanh cho biết thêm.
Nghề làm nón lá Gia Vượng được xem là nghề truyền thống đặc trưng của vùng quê thuần nông, người dân trong xã đã vài trăm năm làm nghề, bao đời nối tiếp nhau làm và giữ nghề. Hiện nay, tổng dân số xã có 3.450 người thì có 25% dân số duy trì nghề, với 5/6 xóm trong toàn xã làm nghề. Để giữ được nghề truyền thống như ngày nay, Đảng ủy, chính quyền xã Gia Vượng đã chỉ đạo các hội, đoàn thể trong xã tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của nghề truyền thống của quê hương. Đặc biệt, đối với hội viên các Hội như Phụ Nữ, nông dân, là nhân tố chính để duy trì và lưu truyền nghề làm nón lá, qua đó vừa giữ được nghề, vừa tăng thu nhập cho người dân trong xã. Hiện nay, những người đang giữ nghề làm nón tại địa phương là các bà, các mẹ có tuổi đời từ 40 đến trên 80 tuổi. Tại mỗi gia đình, các bà, các mẹ đang truyền nghề cho con, cháu của mình, để mỗi thế hệ người dân Gia Vượng luôn giữ được nghề truyền thống.
Từ nghề làm nón, đạt trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng, giúp người dân Gia Vượng tăng thu nhập, bình quân thu nhập toàn xã đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,1%.
Những chiếc nón lá Gia Vượng mang vẻ đẹp riêng bởi chúng được tạo nên từ bàn tay tỉ mỉ, tài hoa và cái tâm của những người thợ cả đời gắn bó với nghề truyền thống, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Gia Vượng đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp duy trì, phát triển nghề, từng bước xây dựng Đề án bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, qua đó khơi dậy tiềm năng của quê hương phát triển vừa là giải pháp bảo tồn nghề truyền thống trong dòng chảy xã hội hiện đại.
Bài, ảnh: Hồng Vân