Để từng bước hiện thực hóa nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Gia Viễn đã nhanh chóng hoàn thành các quy hoạch để phát triển sản xuất nông nghiệp như: quy hoạch thủy sản; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ. Trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, các địa phương trong huyện đã vận động các hộ dân hiến hàng trăm ha đất, cải tạo, làm mới được gần 500 km đường giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp, đê điều được tu bổ, củng cố vững chắc hơn; phong trào kiên cố hóa kênh mương kết hợp với giao thông nông thôn phát triển rộng khắp và đạt kết quả tốt. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Gia Viễn cũng tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học, áp dụng các mô hình tiến bộ trong sản xuất. Vì vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhiều bước tiến mới cả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh; diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng; an ninh lương thực được đảm bảo. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch … tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Sản phẩm trồng trọt không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong huyện mà còn góp phần phục vụ cho chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017 diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 14.634,02 ha trong đó cây lúa là 12.208,5 ha; sản lượng lương thực có hạt là 70.745 tấn. Giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác tăng từ 65 triệu (năm 2008) lên 79,3 triệu đồng (năm 2017).
Toàn huyện đã hình thành 4 vùng sản xuất rau hàng hóa, gồm: Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, thị trấn Me và 4 vùng sản xuất dưa bở: Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, Gia Lập.
Phát huy lợi thế một số vùng núi, Gia Viễn đã quy hoạch các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm mục đích phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp ở nông thôn. Hiện lĩnh vực chăn nuôi của huyện đã có bước chuyển mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, đặc biệt một số trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đang phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ; cơ cấu con nuôi đang chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh con nuôi có giá trị kinh tế cao (dê, lợn siêu nạc...), con nuôi đặc sản (hươu, nhím, ba ba...). Tính đến nay toàn huyện có 14 trang trại chăn nuôi (12 trang trại chăn nuôi lợn và 2 trang trại chăn nuôi gia cầm) đạt tiêu chí Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đối với những diện tích vùng trũng, Gia Viễn đã quy hoạch vùng sản xuất thủy sản, tiếp tục phát triển, đa dạng hóa về chủng loại nuôi trồng và từng bước đi vào thâm canh, xuất hiện nhiều điển hình thâm canh thủy sản, cải tạo vùng trũng cấy lúa vụ mùa bấp bênh kém hiệu quả sang sản xuất 1 lúa - 1cá có hiệu quả. Các địa phương đã tập trung quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, theo phương thức thâm canh và bán thâm canh.
Tiếp tục duy trì nuôi các loại cá truyền thống là thế mạnh của địa phương; tích cực lồng ghép, thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong những năm tiếp theo, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Gia Viễn đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, tham gia các hoạt động đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thơm