Trong các đợt quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, nhất là chuyên đề về đổi mới giáo dục - đào tạo, đội ngũ báo cáo viên các cấp trong huyện đã kết hợp giới thiệu các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa các hình thức học tập để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về việc phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Khi xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể luôn quan tâm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, coi đây là một tiêu chí phát triển KT - XH.
Trong đó tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng quy chế học tập của Trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học...
Để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện còn quan tâm đưa tiêu chí về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ trong việc tuyển chọn cán bộ, công chức, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ. Khi xét kết nạp Đảng cho các quần chúng ưu tú, nếu chưa đạt tiêu chí về trình độ văn hóa phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Cùng với việc học tập của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc học tập, tìm hiểu kiến thức phát triển KT - XH của người dân cũng được quan tâm.
Mặc dù gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng được các xã, thị trấn duy trì. Các lớp học tập về nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các lớp về khoa học kỹ thuật, sản xuất, ngành nghề, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường... đã thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo khí thế học tập sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội Khuyến học từ huyện đến các xã, thị trấn và các chi hội cơ sở được duy trì, củng cố và phát triển về tổ chức bộ máy, hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, mô hình khuyến học, khuyến tài trong các nhà trường lại tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, bám sát các nhiệm vụ của ngành Giáo dục để đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, duy trì phổ cập đúng độ tuổi, chuẩn bị các điều kiện tiến hành phổ cập bậc phổ thông, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
Nổi bật trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở Gia Viễn những năm qua là hoạt động hiệu quả của việc xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học với việc phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 2007, số gia đình đăng ký xây dựng gia đình hiếu học đạt 33,7%, đến năm 2011 tăng lên 62,4%, số gia đình được công nhận gia đình hiếu học đạt 27,9%.
Toàn huyện hiện có 32 dòng họ hiếu học hoạt động hiệu quả. Không chỉ làm tốt việc động viên con cháu trong dòng họ tích cực học tập mà còn có nhiều giải pháp thúc đẩy sự học trong dòng họ như: Gặp mặt trao thưởng đầu xuân, tổ chức khen thưởng dịp tổng kết năm học tại nhà thờ dòng họ... Có 10 dòng họ tiêu biểu về hoạt động khuyến học như: Dòng họ Phạm Ngọc, Bùi Văn ở xã Liên Sơn; Trần Quang ở thị trấn Me, Nguyễn ở xã Gia Tân, xã Gia Trung... Từ hoạt động của các mô hình khuyến học, khuyến tài ở các cơ quan, dòng họ, trường học, thôn, xóm... quỹ khuyến học các cấp trong huyện ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân, con em xa quê hương.
Tổng số quỹ khuyến học của huyện từ khi thành lập đến nay là trên 1 tỷ đồng, số dư hiện có là trên 500 triệu đồng. Hàng năm, từ nguồn quỹ khuyến học, đã trích khen thưởng cho giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Bùi Diệu