Kỳ II: Cấp ủy, chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng
Năm 2010, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đồng thời chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu, nhiệm vu và giải pháp của Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp. Thế nhưng trên thực tế công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương vẫn chưa được đánh giá, coi trọng đúng mức. Sự thiếu quyết liệt ấy được thể hiện ở ngay việc các địa phương đã không đưa công tác đào tạo nghề trở thành một chỉ tiêu "cứng" trong các Nghị quyết. Và cũng dễ hiểu khi ở các địa phương này, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển biến rất chậm, thậm chí còn xa rời với thực tiễn.
Trở lại câu chuyện của người dân xã Gia Phương. Hơn 5 năm qua, sự tiếc nuối về những đồng tiền công làm nghề bị doanh nghiệp nợ đọng cũng dần nguôi ngoai. Tuy nhiên, người dân vẫn chờ đợi những lời giải thích từ phía chính quyền địa phương.
Mang trăn trở của người dân đến gặp ông Đinh Văn Hoan, Bí thư đảng ủy xã Gia phương, chúng tôi nhận được lời giải thích: Từ trước tới nay, việc tổ chức các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính bên phía chính quyền, còn cấp ủy đảng chỉ định hướng chung. Ngay cả trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã cũng chỉ đưa các chỉ tiêu chung về phát triển kinh tế, mục tiêu xóa đói giảm nghèo chứ không có chỉ tiêu về dạy nghề cho lao động nông thôn. Một câu hỏi đặt ra là, phải chăng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong công tác đào tạo nghề chưa sát với thực tế?
Đồng chí Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động huyện Gia Viễn cho biết: Có rất nhiều khó khăn dẫn đến công tác đào tạo nghề ở các địa phương còn hạn chế như: Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng giáo viên chủ yếu là thợ lành nghề, chưa mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả giảng dạy chưa cao. Ngoài ra, một bộ phận lao động còn có tư tưởng đi học nghề để hưởng lợi từ chính sách của nhà nước mà chưa xác định được tầm quan trọng và hiệu quả của người thợ lãnh nghề.
Tuy nhiên theo đánh giá của đồng chí Bùi Ngọc Quang, Phó Bí thư Huyện ủy Gia Viễn: Trở ngại lớn nhất trong công tác dạy nghề ở nông thôn chính là nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề ở một số địa phương chưa đúng mức, sự phối hợp trong công tác tuyển sinh và triển khai, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương, chưa khuyến khích được người lao động tham gia học nghề, chưa giải quyết được việc bao tiêu sản phẩm cho người lao động do đó một bộ phận người lao động không tham gia học nghề dẫn đến không có việc làm và thu nhập sau khi học nghề. Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề của cấp xã chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng sự phối hợp giữa người sử dụng lao động với chính quyền địa phương trong việc đào tạo nghề và sử dụng lao động tại địa phương vẫn còn có hạn chế, sự kết nối chưa cao.
Đặc biệt, năm 2013, để tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc đào tạo nghề, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện phân cấp quản lý. Theo đó, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh phân bổ về từng huyện, thành phố để trực tiếp tổ chức thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cũng như nhu cầu của người học và người sử dụng lao động ở địa phương. Với sự phân cấp này thì vai trò của cấp ủy cơ sở rõ nét hơn. Và trên thực tế, ở đâu cấp ủy quan tâm, sâu sát thì ở đó công tác đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực.
Đồng chí Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động huyện Gia Viễn cho biết: Trong cơ cấu lao động bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp thì những lao động trong độ tuổi từ 30-55 chiếm tỷ lệ cao nhất. Đối với những lao động này, cơ hội để tìm việc làm trong KCN là rất khó, vì vậy vấn đề đặt ra là người lao động phải học một nghề để mưu sinh lâu dài là vô cùng quan trọng. Mà muốn thu hút được người lao động tham gia học nghề thì công tác dạy nghề phải đi vào thực chất, mang lại hiệu quả tích cực giúp người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng nghèo, vùng bị thu hồi đất…có thêm công cụ để vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, UBND huyện căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn nghề cho lao động bị thu hồi đất. Theo đó, huyện đã phối hợp mở lớp dạy các nghề như: kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch cho 45 lao động ở xã Gia Sinh. Khảo sát sau khóa học của lao động xã Gia Sinh cho thấy, người lao động phấn khởi vì được học đúng nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với năng lực của bản thân. Vốn đã biết nghề, song sau khi học nghề, người lao động có thể nâng cao chất lượng và thu nhập từ nghề. Từ hiệu quả của lớp học này, huyện đang chuẩn bị mở các lớp dạy nghề này cho lao động bị thu hồi đất xã Gia Vân…
Ngoài ra, "đón đầu" nhu cầu của doanh nghiệp, huyện tiếp tục đưa nghề may công nghiệp vào dạy ở những xã có doanh nghiệp may mặc đóng chân trên địa bàn như Gia Phú, Gia Minh, Gia Tân, Gia Vân… huyện Gia Viễn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nghề cho lao động. Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên. Đồng thời, cung cấp các trang, thiết bị cho người lao động học nghề. Với cách làm này, phần lớn học viên sau khi học xong sẽ được bố trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu công việc... tận dụng lợi thế về nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp còn về tận các xã để mở xưởng may vệ tinh.
Gia Viễn đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình, huyện xác định việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế là điều rất quan trọng và cần thiết. Hàng năm UBND huyện đều xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gửi đến các xã, thị trấn để các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương đăng ký học các ngành nghề cho lao động nông thôn tại địa phương mình.
Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề nông thôn, huyện Gia Viễn đã chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao vai trò của cấp ủy đảng cơ sở nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp với nhà đầu tư trong tuyển dụng lao động. Ưu tiên tuyển dụng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, thợ có chất lượng cao là người địa phương, đủ năng lực tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất theo hướng CNH, HĐH.
Cùng với mở rộng quy mô đào tạo nghề, huyện cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị dạy nghề tổ chức các buổi tọa đàm hướng nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, chuẩn bị cho thanh, thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề hiện nay..
Những nỗ lực của huyện Gia Viễn rất đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra cho cấp ủy, chính quyền cơ sở là phải phát huy tính chủ động và tích cực vào cuộc nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức cho lao động nông thôn. Việc mở các lớp dạy nghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng. Phải bảo đảm người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân.
Nguyễn Thơm - Đào Hằng
Kỳ I: Người dân thiếu mặn mà với việc học nghề