Thế nhưng, đã hơn 7 năm triển khai, công tác đào tạo nghề ở huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả người dân nghèo hay những lao động bị thu hồi đất nông nghiệp cũng không tha thiết với việc học nghề. Vậy vì sao việc đưa một chính sách thiết thực như vậy vào thực tiễn cuộc sống ở đây lại gặp quá nhiều khó khăn?
Kỳ I: Người dân thiếu mặn mà với việc học nghề
Những vết sẹo vẫn còn trên đôi bàn tay gân guốc của những người dân nghèo xã Gia Phương là minh chứng cho những năm tháng miệt mài với nghề chẻ tăm hương. Nhiều người dân thôn Văn Hà cũng đã đổi đời từ nghề phụ này trong đó có gia đình ông Đào Văn Can. Ông cho biết: Thời ấy mặc dù cấy tới gần 2 mẫu ruộng vợ chồng tôi vẫn chật vật khi nuôi 4 đứa con ăn học. Từ khi nghề được đưa về địa phương, gia đình tôi là hộ đầu tiên tham gia học và làm nghề. Cả nhà có 6 người thì 5 thành viên tham gia, say mê đến mức quên cả bữa ăn, đàn ông trong thôn cũng ít tụ tập vì bận phụ giúp gia đình"… Gần 10 năm có thêm nghề chẻ tăm hương, ông Can đã xây được căn nhà kiên cố, các con ông đã trưởng thành. Ông Can tiếc nuối: ở miền quê nghèo kiếm được nghề phụ thu nhập ổn định như thế quý lắm. Khi doanh nghiệp bỏ đi, chúng tôi không chỉ tiếc vì số tiền bị mất mà còn tiếc cái nghề đã giúp cho nhiều người nghèo ở Gia Phương ổn định cuộc sống.
Từ câu chuyện của những người dân thôn Văn Hà, chúng tôi đã tìm gặp bà Trần Thị Vinh, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Gia Phương và là người đầu tiên có sáng kiến đưa nghề chẻ tăm hương về địa phương. Bà Vinh cho biết: Năm 2005, nghề chẻ tăm hương mới chỉ manh nha ở một số xã trong huyện, nhưng với sự năng động của bản thân, bà đã vận động chị em trong thôn Văn Hà nhanh chóng tiếp cận đưa nghề về thôn. Chỉ trong thời gian ngắn nghề nở rộ ở tất cả các thôn trong xã. Năm 2008, nhận thấy những lợi thế của nghề phụ chẻ tăm hương, chính quyền địa phương đã đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề chẻ tăm hương Văn Hà. Tiếp thêm sức mạnh cho nghề chẻ tăm hương ở Gia Phương phải kể đến Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều lớp dạy nghề chẻ tăm hương được các ngành, các cấp đưa về mở ở Gia Phương. Những đơn hàng cũng theo đó chuyển về địa phương với mật độ dày hơn.
Những tưởng nghề chẻ tăm hương được trụ vững tại đây thì đến năm 2012, doanh nghiệp đột ngột ngừng thu mua và… biến mất, mang theo cả nghề và niềm tin của người nông dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó đến nay, người dân không tiếp nhận thêm bất kỳ một lớp dạy nghề nào. Làng nghề chẻ tăm hương Văn Hà cũng bị "khai tử". Bà Vinh thở dài: "Khi đưa nghề vào làng thì có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng của tỉnh, của huyện… Nhưng khi doanh nghiệp bỏ trốn thì số nợ gần trăm triệu của doanh nghiệp với người dân mình tôi phải gánh chịu. Nhiều người sau khi nhập lô sản phẩm lần cuối đã mất trắng cả vài triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng với giá nhân công vài chục ngàn đồng/ngày của người nông dân thì đây là sự rủi ro đáng tiếc. Hiện tôi đã phải ứng ra hàng chục triệu đồng để trả cho những người lao động có hoàn cảnh quá khó khăn".
Cách đây gần 10 năm, xã Gia Hòa là địa phương được lựa chọn làm điểm trong triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Ninh Bình. Cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến thôn đã vào cuộc một cách trách nhiệm, tạo nên sự phấn khởi của người dân khi có nghề phụ để tăng thu nhập cho một miền quê thuần nông. Tuy nhiên, sau vài tháng đào tạo thì nghề se cói và đính hạt cườm chỉ sống lay lắt chưa tròn 1 năm. Ông Bùi Phú Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa nói, nguyên nhân dẫn đến thất bại chính là sự tham mưu, lựa chọn nghề không phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Gia Hòa nằm cách xa vùng nguyên liệu, lại không có doanh nghiệp thu mua đứng trên địa bàn. Vì vậy, việc nhập nguyên liệu và xuất hàng phụ thuộc vào một doanh nghiệp ở nơi khác. Chi phí đội lên quá cao nên dù có nhiều thiện chí, doanh nghiệp cũng không thể duy trì việc liên kết với lao động Gia Hòa. Mất nghề là một chuyện, nhưng kéo theo đó là mất niềm tin của nhân dân nên từ sau lớp dạy nghề thí điểm ấy, đến nay xã cũng chưa mở thêm được bất kỳ một lớp dạy nghề nào. Những người không được tuyển vào làm các khu, cụm công nghiệp không có nghề phụ đành chấp nhận đi làm ăn xa "- ông Bùi Phú Bắc cho biết.
Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo với mục đích "trao cần câu hơn xâu cá", trong những năm qua, UBND tỉnh Ninh Binh cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng, cùng với kinh phí của Trung ương để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Nhờ đó, hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương.
Đặc biệt, trong Kế hoạch số 22- KH/UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020, tỉnh Ninh Bình xác định dạy nghề vẫn là công cụ để hướng tới giảm nghèo bền vững. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo, tỉnh Ninh Bình đã nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ trong học nghề. Theo đó, nếu như trước đây chỉ có lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số và lao động vùng khó khăn được nhận hỗ trợ thì hiện nay mở rộng thêm đối tượng là lao động khó khăn, lao động ở 55 xã đặc thù. Tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thực hành và tạo việc làm để có thêm thu nhập cho học viên. Đồng thời, tỉnh đã mở rộng danh mục nghề, trong đó tập trung vào các nghề mà tỉnh có thế mạnh như phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch.
Mở ra nhiều cơ hội là vậy, tuy nhiên, vài năm trở lại đây việc tuyển sinh học nghề trên địa bàn huyện Gia Viễn càng trở nên khó khăn. Mặc dù chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu mở được 2 lớp dạy nghề trong năm 2017, song đến thời điểm này huyện mới mở được 1 lớp dạy nghề may công nghiệp. Ngay cả người dân ở các địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp để mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Viễn cũng không mấy ai quan tâm đến việc học nghề.
Trong năm 2016, cụm công nghiệp Gia Phú và Gia Vân với diện tích trên 100 ha được đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng hơn 3.600 người bị ảnh hưởng thu hồi đất, trong đó ước khoảng trên 2.000 người đang trong độ tuổi lao động. Để mưu sinh, hơn 600 người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất ở xã Gia Phú đã tự tìm việc làm theo thời vụ; một số lao động đi làm thuê ở xa, một số lao động có vốn mở cửa hàng kinh doanh nhỏ… và chỉ có 125 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong CCN và đặc biệt là không có một lao động nào đăng ký học nghề. "Huyện đã chủ động hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Song kết quả đạt được vẫn còn hạn chế bởi không chỉ người dân mà cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề, nên thiếu chủ động tham mưu cho huyện trong việc đưa nghề phù hợp về dạy cho người dân", đồng chí Bùi Ngọc Quang, Phó Bí thư Huyện ủy Gia Viễn cho biết.
Bài, ảnh: Đào Hằng - Nguyễn Thơm
Kỳ II: Cấp ủy, chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng