Bước đầu, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã được xây dựng thương hiệu, được người tiêu dùng ưa thích... Tuy nhiên, về cơ bản, việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của huyện còn chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, sản xuất chưa gắn chặt với thị trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, các ngành về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung vào công tác dồn điền, đổi thửa, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp tập trung, đến nay xã Gia Phương đã hoàn thành công tác quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích là 365,5 ha.
Theo quy hoạch, diện tích này sẽ hình thành 3 vùng sản xuất tập trung đó là vùng trồng màu 53,22 ha, vùng chuyên canh lúa 254,22 ha (trong đó lúa chất lượng cao là 140,25 ha), vùng thủy sản và chăn nuôi diện tích 58,06 ha. Bên cạnh đó, nhân dân đóng góp 17,564 ha đất 313 và số tiền hơn 1 tỷ đồng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng theo quy hoạch từng vùng sản xuất và một số công trình phúc lợi của địa phương
Ông Đinh Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Nhiệm vụ trong thời gian tới đối với xã là: Tập trung vào các cây rau màu có giá trị kinh tế cao và là cây truyền thống của địa phương như rau các loại, dưa, cà chua; sản xuất lúa tập trung vào các giống có năng suất, chất lượng cao. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản - chăn nuôi tập trung các sản phẩm có lợi thế như cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, rô phi đơn tính… Xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, đồng bộ, để chăn nuôi lợn, gà, vịt…
Mặc dù chưa có quy hoạch toàn diện như xã Gia Phương, nhưng hiện nay trên địa bàn toàn huyện cũng đã có một số mô hình đang có triển vọng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao như: Mô hình áp dụng phương pháp canh tác mới trồng hoa tại gia đình với diện tích khoảng gần 1.000 m2 và mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Gia Thanh; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao tại xã Gia Phương. Theo báo cáo, toàn huyện đã thành lập được 2 HTX trồng nấm và 12 trang trại chăn nuôi lợn, 21 trang trại nuôi trồng thủy sản, 24 trang trại tổng hợp...
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển chưa toàn diện, thiếu tính bền vững, diện tích sản xuất hàng hóa, tập trung, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều; tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp còn thấp, hình thức chăn nuôi phần lớn là nông hộ, phân tán, xen lẫn trong dân cư gây ô nhiễm môi trường; chưa có quy hoạch đất để phát triển chăn nuôi.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; sản xuất gặp nhiều rủi ro do biến động của thị trường. Sản xuất thủy sản còn mang tính tận dụng, chủ yếu là các loài cá truyền thống; tỷ lệ hộ sử dụng thức ăn công nghiệp chưa nhiều; cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản còn bất cập, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi và phòng trị bệnh cho thủy sản còn ít nên năng suất và hiệu quả sản xuất chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua UBND huyện Gia Viễn đã mời các nhà khoa học của Trung tâm rau chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tuyển chọn một số giống cà chua có áp dụng tiến bộ công nghệ chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Dần hình thành vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất dưa, vùng sản xuất gạo sạch, trong đó chú trọng tới cây trồng đem lại lợi nhuận cao cho người dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, như đã tập trung chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa, lập quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.
Năm 2017, mục tiêu của huyện Gia Viễn trong phát triển kinh tế nông nghiệp là diện tích gieo trồng lúa đạt khoảng 12.000 ha, trong đó 20% là diện tích đất trồng lúa hàng hóa chất lượng cao và diện tích lúa gieo thẳng đạt 20%. Phát triển đàn lợn hướng nạc, lợn bản địa, lợn rừng lai, tổng đàn lợn khoảng 43.000 con. Tiếp tục bảo tồn và phát triển đàn dê núi, đảm bảo quy mô đàn dê (gồm cả dê núi) đạt khoảng 4.000 con.
Mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt trên 1.400 ha, trong đó diện tích nuôi tập trung, chuyên canh trên 57% tổng diện tích (trong 6 tháng đầu năm diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt 1.418,7 ha, sản lượng ước đạt 1.586,1 tấn). Phát triển lâm nghiệp toàn diện; từng bước ứng dụng công nghệ cao đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thử nghiệm, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu này, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện Gia Viễn đã tăng cường việc tuyên truyền về công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội đối với công tác này.
Đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu "Mỗi làng một nghề, mỗi xã một sản phẩm chủ lực".
Đối với những xã điểm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gia Viễn đã tập trung triển khai cơ chế, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.
Trong đó chú trọng đến tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô đủ lớn với các loại cây trồng chủ lực có lợi thế của huyện và quỹ đất dành cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi theo quy định diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả hơn.
Nguyễn Thơm