Cùng Đoàn cán bộ của huyện Gia Viễn về thắp hương tưởng nhớ vua Đinh Tiên Hoàng tại Đền thờ của Đức Vua thuộc thôn Văn Bòng, xã Gia Phương những ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm và khai hội Hoa Lư 2018, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay từng ngày của quê hương Đinh Bộ Lĩnh năm xưa. Những con đường đã được trải bê tông rộng rãi, phẳng lì, uốn lượn qua những cánh đồng lúa bát ngát thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại, thể hiện một cuộc sống no đủ, bình yên. Hai bên đường về Đền được cắm nhiều cờ hội, cờ Tổ quốc và các băng zôn chào mừng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Ông Đinh Văn Thái, một người dân thôn Văn Bòng phấn khởi cho biết: Gia Phương hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân trong thôn luôn nỗ lực phát huy truyền thống của quê hương vua Đinh, chăm chỉ lao động sản xuất.
Những ngày này, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại thôn Văn Bòng đón khá nhiều khách đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ. Ông Thủ từ Đào Văn Duy tất bật đón tiếp khách và luôn tự hào là người được trông coi ngôi đền này. Ông Thủ từ luôn vui vẻ, nhiệt tình trả lời nhiều câu hỏi của khách tham quan muốn tìm hiểu về lịch sử ngôi đền, về những giá trị văn hóa lịch sử còn lưu lại cho đến ngày nay và cả những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại đẹp về một thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu trong vùng như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ... cùng nuôi chí lớn, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn. Ngôi đền hiện đã được quy hoạch và mở rộng đường đi lối lại, sân - bãi để xe…, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương, con cháu vua Đinh về dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Đức Vua.
Ông Thủ từ Đào Văn Duy cho biết: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Gia Phương đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Đền quay hướng Tây, tọa lạc trên khu đất rộng, có tường gạch xây bao xung quanh. Cổng đền dựng bằng gỗ tứ thiết, lợp ngói mũi hài theo kiến trúc đình chùa truyền thống Bắc Bộ. Tiếp đến là Hồ bán nguyệt là nơi tụ thủy sinh khí. Từ nghi môn quan bước vào sân đền, hai bên là các tòa nhà chức năng. Giữa sân đền có Sập long sàng bằng đá, tượng trưng cho uy quyền Nhà vua ngự triều. Tượng vua Đinh Tiên Hoàng sơn son thếp vàng, cao gần 2 mét, được đặt trong hậu cung. Tại đây cũng có bài vị thờ các vị Tứ trụ triều đình là Trung thần đã quên mình vì Nhà Đinh, là các vị Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ.... Hàng năm, vào dịp Lễ hội Hoa Lư, các di tích lịch sử thờ vua quan, tướng lĩnh thời Đinh cùng tham gia lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân lịch sử về Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Người dân thôn Văn Bòng, xã Gia Phương cũng mở lễ hội tại Đền thờ tại thôn và tham gia lễ rước kiệu cùng hương lửa từ quê hương Đức Vua về Cố đô Hoa Lư tham gia các nghi lễ tại lễ hội.
Đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Là quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng và nhiều tướng lĩnh triều Đinh thế kỷ thứ X, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn xác định cần phát huy truyền thống cha ông để xây dựng huyện ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện. Đặc biệt, chào mừng kỷ niệm và lễ hội, ngay từ năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, huyện Gia Viễn đã phát động các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới, tạo không khí thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác trong các tầng lớp nhân dân hướng về sự kiện trọng đại của tỉnh.
Kết quả, năm 2017, huyện Gia Viễn đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội: Giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,57%. 3 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 1.852,7 tỷ đồng, tăng 5% so với quý I năm trước. Giá trị xây dựng cơ bản cũng tăng 5,1%, ước đạt trên 300 tỷ đồng, trong đó tập trung cho các công trình xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2018 như Gia Phương, Gia Xuân, Gia Lạc… Cùng với đó, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi… được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương và nâng cao nguồn thu ngân sách huyện.
Tự hào là quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn đang hướng về Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Gia Viễn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền… nhằm tuyên truyền sâu rộng, đậm nét các hoạt động chào mừng, các phong trào thi đua, công trình chào mừng của các đơn vị, địa phương trong huyện; tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt… Cùng với đó, huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra năm 2018, góp phần cùng tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công công cuộc CNH-HĐH quê hương, đất nước.
Khải Hoàn