Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, 11h trưa ngày 25/5 tại khu vực kênh Gà, nhiều hộ dân của các xã Gia Trung, Gia Thịnh (Gia Viễn) đang khẩn trương thu hoạch lúa. Mực nước trên sông Hoàng Long dâng cao từ 80 - 100cm, nước chảy siết, tràn vào diện tích cấy lúa ven sông.
Lặn lội bì bõm trong nước, nhiều hộ nông dân khẩn trương cắt lúa, bó thành từng bó, cho lên chiếc xuồng nhỏ đẩy vào bờ. Từ sáng đến trưa, gia đình ông Nguyễn Văn Cung, xóm 1, xã Gia Thịnh đã thu hoạch xong gần 1 mẫu lúa.
Ngồi nghỉ bên triền đê vì thấm mệt, ông Cung cho biết: Hàng năm, đến khoảng tháng 4 đã có thể thu hoạch lúa, tránh được đợt lũ tiểu mãn. Song, đầu vụ năm nay gặp rét, mạ chết, chúng tôi phải cấy đi cấy lại nhiều lần, thời vụ bị chậm lại nên mới gặp phải đợt lũ này. Sáng nay, tôi phải thuê thêm 2 người nữa cùng các thành viên trong gia đình ra đồng thu hoạch lúa.
Theo phản ánh của các hộ dân, mực nước dâng cao đột biến bắt đầu từ rạng sáng ngày 25/5. Chiều ngày hôm trước, mực nước trên sông vẫn ổn định, ruộng lúa vẫn ráo nước. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình chủ quan, chưa thu hoạch hết hoặc dự định để sang ngày hôm sau mới bắt đầu gặt.
Ông Trần Tân Khương, xóm 1, xã Gia Thịnh cho biết: Trước đó đã có mưa, song mực nước chỉ dâng cao đột biến từ sáng 25-5. Từ lúc sáng sớm, chân lúa còn ráo nước, nay đã dâng đến gần bông. Gia đình tôi còn gần 1 sào chưa thu hoạch, dự định sáng nay sẽ gặt nốt, nào ngờ... nước dâng nhanh quá. Nhìn về phía ruộng lúa ngập trong nước của mình một hồi lâu, ông Khương quyết định báo về cho người nhà lấy dụng cụ, phải gặt hết trong buổi sáng - dù phải lội trong con nước cao ngang bụng. Để lâu, nước dâng cao hơn nữa thì mất hết lúa-ông thở dài.
Đứng trên bờ đê, chị Trương Thị Mơ (thôn Trấn Hưng, xã Gia Trung) cùng chồng lo lắng nhìn hơn 3 mẫu lúa ngập trắng trong nước. Gia đình chị dự định sáng nay sẽ ra thu hoạch lúa, nhưng không ngờ khi ra đến nơi, toàn bộ diện tích đã bị ngâm trong nước. Anh Phong - chồng chị Mơ thử tìm cách lội xuống gặt, được một lúc đành lắc đầu quay lên.
Chị Mơ cho biết: Khu vực này đất trũng nên nước tràn vào sớm và rất nhanh. Chồng tôi đã xin nghỉ làm mấy hôm để về gặt lúa, nhưng với mực nước như thế này thì đành chịu. Chị Mơ cho biết thêm, đầu vụ, gia đình chị đã mất gần 10 triệu đồng tiền giống và thuê người cấy, phải cấy đi cấy lại đến 4 lần vì mạ chết rét. Vậy mà đến cuối vụ lại gặp lũ, nếu tình trạng như hiện tại, lúa chìm trong nước khoảng 1 tuần là mất trắng.
Di chuyển sang địa bàn huyện Nho Quan, người dân ở đây cũng đang tất bật thu hoạch lúa. Cô Trần Thị Hoan, thôn 2, xã Lạc Vân cho biết: Gia đình tôi cấy hơn 4 sào, lúa còn đang xanh, nhưng nếu không gặt sẽ mất hết, nên buộc phải thu hoạch. Dù năng suất, chất lượng lúa kém hơn mọi năm, song bà con nông dân buộc phải chấp nhận gặt non, may ra còn vớt vát lại được một phần.
Tại huyện Nho Quan, lượng mưa đo được khoảng 166 mm, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, nước tại bến Đế dâng cao trên mức báo động 1 làm ngập trắng gần 150 ha lúa đông xuân ngoài đê đang cho thu hoạch và gần 100 lúa đang trỗ bông của các xã Gia Thủy, Gia Tường, Gia Lâm… Bên cạnh đó, mưa lớn còn làm hư hỏng một số công trình thủy lợi như đê, bờ vùng nội đồng và một số cống bi.
Lãnh đạo phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn, Nho Quan cho biết: Diện tích lúa ngoài đê của huyện Gia Viễn là 814 ha, trong khi đó huyện Nho Quan có trên 1.700 ha.
Trước đó, theo dõi sát sao những diễn biến thời tiết mấy ngày nay, các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đã về thị sát tình hình, Phòng Nông nghiệp & PTNT hai huyện đã có thông báo trực tiếp về các xã nguy cơ lũ lụt và vận động bà con nông dân thực hiện tốt phương châm "xanh nhà hơn già đồng", tập trung nhân lực, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa ngoài đê.
Trong tình hình mực nước dâng cao đột biến, chiều ngày 25/5, các lực lượng như thanh niên, công an, bộ đội... cùng phương tiện đã được huy động, ra sức xuống đồng giúp bà con nông dân thu hoạch, kiên quyết không để người dân mất lúa.
Tính đến ngày 26/5, huyện Gia Viễn đã thu hoạch được gần 600 ha diện tích, đây là toàn bộ diện tích lúa đã chín. Hơn 200 ha lúa còn xanh ở vị trí cao, nước chưa vào ruộng, nên người dân quyết định giữ lại, đợi lúa chín sẽ thu hoạch.
Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Qua thăm đồng, chúng tôiđánh giá, lúa ngoài đê năm nay phát triển tốt hơn năm ngoái. Vì vậy, khi nước lũ dâng nhanh, có thể xóa hết thành quả lao động của bà con nông dân. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc khẩn trương thu hoạch được đặt lên hàng đầu.
Được biết, vùng lúa chịu lũ và vùng ngập úng của huyện Nho Quan là 1.700 ha, trong đó vùng không có đê bao bảo vệ là 620 ha - đây là vùng đang chịu ảnh hưởng của lũ. Đối với vùng không có đê bao bảo vệ, gồm ven sông Bôi, sông Lạng, khi mực nước trên 2,2m sẽ bị ngập.
Ngay trong sáng 25/5, các cấp, các ngành của huyện gồm: lực lượng bộ đội, công an, thanh niên... với 320 người cùng 14 máy gặt di động của các địa phương khác được huy động về xã Gia Tường, Gia Thủy gặt lúa chạy lũ. Khi đỉnh lũ đạt 2,2m vào đầu giờ chiều, nước dâng cao, máy gặt không thể xuống đồng. Tuy nhiên, các lực lượng đã trực tiếp gặt tay cứu lúa.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nho Quan, đến 7h sáng ngày 26/5, mực nước đã rút xuống 1,95m, các lực lượng hỗ trợ vẫn tiếp tục gặt nốt những diện tích ngập nửa bông lúa. Trong ngày 26/5, các diện tích bị ngập lũ sẽ cơ bản được thu hoạch gọn. Tuy nhiên, do tỷ lệ lúa chín đạt trên 70% nên năng suất sẽ giảm.
Thái Học