Hơn hai tháng qua, chiếc máy tính và điện thoại thông minh đã trở thành công cụ giảng dạy hữu hiệu thay cho việc đứng lớp trực tiếp như trước kia để truyền tải kiến thức cho học sinh. Cô giáo Trần Thị Thanh Tuyền, Trường THCS Gia Thanh cho biết: Nghỉ nhiều ngày nên tôi rất lo về việc học tập của học sinh. Tôi thường ôn tập, trao đổi kiến thức với học sinh của mình qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, phần mềm học online Zoom, thậm chí đến tận nhà gửi bài tập cho các em không có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin tại gia đình. Qua việc chủ động giảng dạy, ôn tập của giáo viên đã giúp học sinh nắm vững kiến thức trong thời gian nghỉ học.
Không được tới trường nhưng vẫn được lĩnh hội kiến thức của thầy, cô thông qua hình thức học qua truyền hình và học trực tuyến qua phần mềm Zoom, em Bùi Hồng Thắm, lớp 9A, Trường THCS Gia Thanh cho biết: Khi được học trực tuyến với thầy, cô và các bạn em cảm thấy rất vui. Học trực tuyến qua phần mềm Zoom không khác gì đến lớp bởi thầy, trò, bạn bè vẫn trao đổi được nội dung học, ý kiến của mỗi học sinh với bài học và nội dung kiến thức tiếp nhận được. Đối với học sinh cuối cấp như em, việc học tập được duy trì thường xuyên giúp em nắm vững và nâng cao kiến thức qua mỗi chuyên đề học tập, yên tâm củng cố kiến thức để sẵn sàng bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới.
Để sự học của học sinh không bị gián đoạn do thời gian nghỉ học dài ngày bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các nhà trường trên địa bàn huyện Gia Viễn đã sớm tìm các giải pháp tối ưu, nhằm duy trì sự ổn định trong học tập, trao đổi kiến thức giữa thầy và trò.
Thầy giáo Mai Xuân Chức, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh cho biết: Nhà trường có 360 học sinh/11 lớp, trong đó có 84 học sinh lớp 9. Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn về việc triển khai dạy học qua internet, qua truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định; chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy; gửi bài tập cho học sinh làm và chữa bài cho học sinh.
Việc tổ chức dạy học được thông báo qua hệ thống sổ liên lạc điện tử Smas, cung cấp cho học sinh thông tin về các phần mềm học tập, địa chỉ truy cập và hướng dẫn truy cập.
Học sinh lớp 9 học tập theo lịch chương trình dạy học trên Truyền hình Ninh Bình các môn học năm học 2019-2020; vào buổi tối, trường tổ chức ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 9 nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản các môn học sinh được học trên truyền hình buổi sáng, mỗi môn củng cố kiến thức tối thiểu 20 phút.
Bên cạnh đó, nhà trường hướng dẫn học sinh khối 6, 7, 8 theo dõi chương trình dạy học trên truyền hình Hà Nội 1 đối với các môn học. Từ tuần cuối tháng 3/2020, nhà trường lựa chọn phần mềm trực tuyến Zoom để triển khai đến 100% giáo viên.
Qua đó mỗi giáo viên có thể lựa chọn hình thức phù hợp với đặc điểm học sinh lớp mình để vận dụng linh hoạt phần mềm dạy học. Hiện 100% lớp và học sinh tham gia ôn tập online phần mềm Zoom, bước đầu được học sinh, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.
Đồng chí Đỗ Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn cho biết: Ngay sau khi nhận được kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học từ xa đối với học sinh lớp 9 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã nghiêm túc thực hiện và đưa ra các giải pháp để chỉ đạo các đơn vị trường học trong toàn huyện thực hiện có hiệu quả như: Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch triển khai, quản lý việc tổ chức thực hiện học từ xa đối với học sinh lớp 9 đối với các đơn vị trường học trên địa bàn.
Thành lập tổ chuyên môn gồm các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn để hỗ trợ các đơn vị trường học tổ chức, quản lý việc học trên truyền hình đối với lớp 9; dạy qua internet đối với các lớp 6, 7, 8. Tổ chức giới thiệu và tập huấn online một số phần mềm, ứng dụng để các đơn vị sử dụng và tăng tính tương tác giữa học sinh và giáo viên khi dạy và học.
Đối với các đơn vị trường học, trên cơ sở kế hoạch và lịch phát sóng dạy học từ xa của Đài PT-TH tỉnh Ninh Bình, các nhà trường đã triển khai, quản lý việc học từ xa đối với học sinh lớp 9. Phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn chủ động phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình tự học và học trên truyền hình.
Yêu cầu giáo viên bộ môn đang giảng dạy lớp theo dõi bài giảng trên truyền hình để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho học sinh lớp mình phụ trách; nắm rõ số lượng học sinh từng lớp 9 tham gia học từ xa. Chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn giao bài tập ôn tập (theo tiến trình dạy trên truyền hình) cho học sinh qua các phần mềm, ứng dụng và tương tác với học sinh qua phần mềm ZOOM để kiểm tra việc tự học, làm và hoàn thành bài tập…
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn phức tạp nhưng việc truyền tải kiến thức giữa thầy và trò trên địa bàn huyện Gia Viễn được duy trì hiệu quả, là cơ sở để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn tin tưởng vào một kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Bài, ảnh: Hồng Vân