Những xã đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa cho thấy số thửa/hộ đã giảm rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bền vững: Đất đai đã được dồn đổi, tích tụ, đất công ích được quy hoạch tập trung; giao thông, thủy lợi nội đồng đã được chỉnh trang, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; hình thành và xuất hiện các mô hình kinh tế gia trại, trang trại phát triển đem lại hiệu quả rõ rệt. Toàn huyện đến nay đã huy động được các hộ dân đóng góp và hiến trên 250 ha đất nông nghiệp, đào đắp được gần 1.800 nghìn m3, làm mới và nâng cấp được gần 560 km đường giao thông nội đồng, làm mới và nâng cấp trên 500 km kênh mương và xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn đáp ứng được yêu cầu của phong trào xây dựng nông thôn mới.
Để có những kết quả này, UBND huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 30-10-2013 về việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Vì là chương trình lớn, kéo dài trong nhiều năm, nên Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện luôn được củng cố và kiện toàn nhân sự.
UBND các xã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Phó chủ tịch UBND xã làm phó ban, Giám đốc HTX nông nghiệp, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, một số cán bộ, công chức chuyên môn làm ủy viên.
Thành lập các tiểu ban dồn điền, đổi thửa ở các xóm, tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện tới các đảng bộ, chi bộ, các ban, ngành và các tổ chức đoàn thể.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi triển khai công tác dồn điền, đổi thửa ở mỗi địa phương, các chi bộ đều tổ chức hội nghị thảo luận, ra Nghị quyết thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện.
Các thôn, xóm họp dân tổ chức quán triệt, tuyên truyền và bầu ra Ban dồn điền, đổi thửa với thành phần có sự tham gia của cấp ủy, trưởng xóm, các tổ chức đoàn thể và đại diện các hộ dân là những người có uy tín và năng lực để thực hiện nhiệm vụ.
Ban dồn điền, đổi thửa các thôn, xóm bám sát trình tự các bước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa.
Trên cơ sở được Ban chỉ đạo phân công, tổ chuyên môn giúp việc ban chỉ đạo ở xã có trách nhiệm thu thập tài liệu có liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa như: bản đồ địa chính, sổ mục đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng sản xuất, phương án giao đất của UBND xã, HTX khi giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 313 của UBND tỉnh.
Tính đến cuối tháng 11-2016, Gia Viễn đã có 8 xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Nhiều đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc triển khai thực hiện việc dồn điền, đổi thửa diễn ra khá thuận lợi.
Điển hình như thôn Trung Hòa (xã Gia Vân) là đơn vị điển hình tổ chức "tự nhận ruộng, không cần bốc thăm". Cả 7/7 thôn của xã Gia Vân đã hoàn thành việc chia ruộng ngoài thực địa trong thời gian ngắn.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Như vậy, Gia Viễn còn 7 xã (Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Phong, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Lạc) chưa chia ruộng ngoài thực địa, mà chỉ thực hiện được việc rà soát xong quỹ đất 313, đất ngân sách, đang tích cực hoàn thiện phương án dồn điền, đổi thửa trình UBND huyện phê duyệt.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn cũng đưa ra những nguyên nhân về việc tiến độ thực hiện việc dồn điền, đổi thửa chậm là do: Công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của nhân dân về dồn điền, đổi thửa chưa được lãnh đạo ở một số địa phương quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, tâm lý ngại thay đổi, sợ chia lại ruộng của một bộ phận người dân gây khó khăn cho quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa ở địa phương.
Công tác dồn điền, đổi thửa là việc làm mới, vì vậy trong việc lập phương án, khảo sát thiết kế, thi công… gặp rất nhiều khó khăn.
Các xã này đều triển khai xây dựng phương án chậm. Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa các xã chưa thật sự coi trọng công tác chuẩn bị như: thu thập hồ sơ, tài liệu, đánh giá hiện trạng sử dụng đất…, do đó phương án xây dựng dồn điền, đổi thửa chưa rõ ràng, cụ thể. Khối lượng công việc lớn nên một số xã còn e ngại chưa triển khai thực hiện.
Hơn nữa, dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng yêu cầu phải có kinh phí lớn để làm mới một số tuyến đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, yêu cầu mức đóng góp của người dân lớn nên một số xã chưa mạnh dạn triển khai thực hiện.
Một số đơn vị (Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Xuân …) do ảnh hưởng của việc thu hồi đất xây dựng cụm công nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, đấu giá đất … gây xáo trộn về mặt diện tích phải điều chỉnh lại toàn bộ phương án dồn điền, đổi thửa, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng theo yêu cầu.
Khắc phục tình trạng trên, huyện Gia Viễn đã có phương hướng, giải pháp chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Theo đó, đối với các xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa tiếp tục cải tạo hệ thống giao thông nội đồng và chỉnh trang đồng ruộng.
Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Cập nhật chỉnh lý biến động đất đai, bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Tiếp tục tập trung hướng dẫn các xã còn lại đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, khẩn trương hoàn thiện phương án trình UBND huyện phê duyệt.
Các xã còn chưa thông về tư tưởng, tổ chức các cuộc họp dân để tìm ra những khó khăn, vướng mắc, từ đó có hướng giải quyết và tiến hành chia ruộng ngoài thực địa cho người dân.
Huyện cũng có văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể về công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân dân yên tâm sản xuất.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: cứng hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, các trạm bơm.
Nguyễn Minh