Là doanh nghiệp gia công may mặc lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Linh, Giám đốc Công ty TNHH may Vạn Lợi - KCN Gia Vân (Gia Viễn) chia sẻ: Được sự quan tâm, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và các điều kiện khác như an ninh trật tự, nguồn vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng và sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển. Hiện nay, Công ty thu hút trên 600 công nhân lao động, trong đó phần lớn là lao động địa phương thuộc các xã lân cận trên địa bàn như Gia Vân, Gia Hòa, Gia Tân, Gia Trấn…, với mức lương bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng và đầy đủ các chế độ theo quy định. Công ty cũng đã ký kết được các đơn hàng đến giữa năm 2017, góp phần tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn huyện.
Đối với Công ty TNHH xây dựng Việt Thành, được sự quan tâm của huyện về mặt bằng sản xuất, Công ty đã mở thêm ngành nghề sản xuất gạch không nung.
Ông Lê Đức Toàn, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty được UBND huyện Gia Viễn cho thuê mặt bằng trên diện tích 3 ha, từ đó Công ty đưa vào lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng của Công ty và hướng tới cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, dây chuyền đã đi vào sản xuất với các sản phẩm gạch đặc, gạch rỗng 2 lỗ, công suất 1,5 triệu viên/năm, tạo việc làm cho trên 20 lao động với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Với diện tích được thuê, năm 2017, Công ty tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền sản xuất ngói công nghệ Nhật Bản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Những năm qua, để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, huyện Gia Viễn đã quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhất là chính sách thuế, đất đai, đồng thời thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, nhiều KCN trên địa bàn đã lấp đầy các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như KCN Gián Khẩu, đã có hàng chục doanh nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, giá trị sản xuất ước đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Đặc biệt trong năm 2016, nhờ thực hiện tốt công tác GPMB, 2 cụm công nghiệp Gia Phú và Gia Vân với diện tích trên 100 ha đang được đẩy nhanh tiến độ san lấp, kết hợp với quảng bá, giới thiệu tiềm năng, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn. Từ đó, huyện Gia Viễn đã và đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất linh kiện điện tử, da giầy, nội thất.... vào đầu tư xây dựng và sản xuất.
Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn cũng không ngừng phát triển, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm theo hướng phát triển bền vững.
Được biết, để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo Phòng Công thương tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai chương trình phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn. Với chức năng là đơn vị thường trực giúp UBND huyện quản lý về mặt Nhà nước, Phòng Công thương cũng đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiềm lực mạnh đầu tư phát triển sản xuất.
Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn; các xã, thị trấn tăng cường vai trò quản lý của chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hiện trên địa bàn có hàng chục doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng công nghiệp như khai thác đá, xi măng, clanke, may mặc…
Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt trên 6.200 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2015. Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng mạnh so với năm 2015 như: Lắp ráp ô tô tăng 2,04 lần; xi măng, clanke tăng 12,7%; quần áo may sẵn tăng 7,3%; khai thác đá tăng 3,1%...
Đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Để công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn huyện phát triển nhanh và bền vững, năm 2017, huyện Gia Viễn đẩy mạnh đào tạo nghề và đưa nghề mới về các địa phương thuần nông, giải quyết việc làm, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm...
Phấn đấu công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, đạt giá trị sản xuất khoảng 9.000 tỷ đồng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.
Huy Hoàng