Ngay sau Đại hội Đảng cấp cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng kiện toàn các Ban chỉ đạo, trong đó có Ban chỉ đạo "Dân vận khéo" cấp huyện và cấp cơ sở để phong trào thi đua "Dân vận khéo" không bị gián đoạn. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" của huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất triển khai phong trào thi đua trên địa bàn huyện, ban hành hướng dẫn xây dựng mô hình "Dân vận khéo" làm cơ sở cho việc triển khai phong trào tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các thành viên Ban chỉ đạo huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức phát động thi đua, đăng ký thực hiện mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong xây dựng và thực hiện mô hình "Dân vận khéo" gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để phong trào thi đua "Dân vận khéo" đạt hiệu quả thiết thực, Ban chỉ đạo huyện đã ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn, tiêu chí, biểu mẫu đăng ký mô hình.
Trong quá trình thực hiện, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, khối dân vận cơ sở, Đài truyền thanh huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung xây dựng mô hình "Dân vận khéo" và kết quả thực hiện phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị.
Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa của phong trào thi đua.
Trên cơ sở kế hoạch của Ban chỉ đạo huyện, MTTQ, các đoàn thể, Đảng ủy trực thuộc và 21 xã, thị trấn đã đánh giá kết quả phong trào năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, tiếp tục tuyên truyền, chủ động triển khai thực hiện phong trào thi đua thông qua những việc làm thiết thực. Nét nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Gia Viễn là các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép hiệu quả với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua như "Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới"...
Qua đó định hướng cho đơn vị, tổ chức lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để đăng ký xây dựng và thực hiện các mô hình "Dân vận khéo".
Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ban Dân vận Huyện ủy là cơ quan thường trực theo dõi, hướng dẫn các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới…
Năm qua, đã có 24 cơ quan, đơn vị đăng ký 77 mô hình "Dân vận khéo". Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua đã phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia của người dân vào hầu hết các công việc như: tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới, tổ chức thực hiện, giám sát các dự án, huy động các nguồn vốn, vận động sự đóng góp công sức, kinh phí, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi… của các tổ chức và cá nhân.
Nhiều mô hình đã thể hiện được vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xây dựng kết cấu hạ tầng với nhiều cách làm sáng tạo như: vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, nhà ở, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình xây dựng, ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng, tham gia ngày công…
Tiêu biểu như các mô hình: "Dồn điền, đổi thửa" của Ban công tác Mặt trận thôn Thanh Uy (xã Gia Vân), Ban công tác Mặt trận xóm 8 (xã Gia Sinh); mô hình: "Đường cây làm theo lời Bác ở xã Gia Tân", "Nạo vét kênh mương ở xã Gia Hưng" của Hội Phụ nữ; Hội Nông dân huyện với mô hình "Tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân xây dựng mô hình thu gom rác thải ở xã Gia Vân"…
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu "Thắp sáng đường quê" của Đoàn thanh niên, "ánh sáng an ninh" của Hội Phụ nữ…
Cũng từ phong trào thi đua "Dân vận khéo", các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gia Viễn đã quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, hướng về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", tập trung định hướng hoạt động mô hình "Tổ dân vận" làm điểm tại thôn Xuân Lai, xã Gia Tiến.
Đã có một số cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân, phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận, đảng viên ở huyện, cơ quan xã xuống dự sinh hoạt với cơ sở, lấy ý kiến công khai của nhân dân trước khi quyết định những việc liên quan đến nhân dân…
Qua đó góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Đến nay, toàn huyện có 151 mô hình "Dân vận khéo" được đăng ký và tổ chức thực hiện bước đầu đạt hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bùi Diệu