Về xã Liên Sơn, hỏi thăm gia đình bác Phạm Ngọc Phúc (xóm 1) không ai là không biết về thầy giáo già tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của địa phương. Không chỉ gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài ở cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Liên Sơn và nay là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gia Viễn, bác Phạm Ngọc Phúc còn là một tấm gương sáng về việc chăm lo cho sự học của con em vùng quê nghèo.
Ngay từ khi về nghỉ hưu tại địa phương, bác Phúc đã dành thời gian để hướng dẫn, dạy học cho những cháu học sinh có học lực kém. Tranh thủ dịp hè hoặc vào ngày thứ bảy, chủ nhật, bác Phúc đã tổ chức lớp dạy học miễn phí cho con em trong xóm. Đủ lứa tuổi, nhưng chủ yếu là các cháu học sinh tiểu học, hàng ngày cắp cặp đến nhà ông giáo già để được ông kèm thêm kiến thức, sẵn sàng cho năm học mới. Với ông, việc dạy học cho các cháu chỉ đơn giản là ông muốn giúp các cháu, nhất là các cháu có học lực kém vươn lên trong học tập, góp phần cùng gia đình và nhà trường giảm dần tỷ lệ học sinh yếu kém. Thêm nữa, dù nghỉ hè nhưng do bố mẹ các cháu đều bận rộn việc đồng áng hoặc mưu sinh nên để các cháu đến nhà ông học ôn cũng là một cách quản lý các cháu, giúp các cháu tránh xa các tệ nạn xã hội.
Đến nay, đã 75 tuổi nên việc dạy học cho bọn trẻ trong xóm đã dừng, nhưng ông vẫn gắn bó với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài với mong muốn vận động, tuyên truyền để có thêm nhiều người cùng quan tâm đến sự học của con em. Bản thân ông và gia đình cũng rất chăm lo cho công tác khuyến học. Dòng họ Phạm Ngọc của ông nhiều năm qua do làm tốt công tác khuyến học nên 100% gia đình trong dòng họ đều quan tâm sát sao đến sự học của con cháu, có nhiều người đỗ đạt cao. Đến nay, dòng họ Phạm Ngọc có 116 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 1 phó giáo sư, 4 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, hàng năm có từ 7- 10 cháu thi đỗ vào các trường đại học chính quy. Riêng gia đình ông Phúc, cả 5 người con đều có trình độ đại học, hiện đều công tác trong ngành giáo dục.
Tại xã Liên Sơn, dù là địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng những người có tâm huyết và tấm lòng với sự nghiệp giáo dục còn rất nhiều. Bằng cách này hay cách khác họ đều có những việc làm ý nghĩa để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài. Bác Cao Trần Ân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết thêm: Đến nay, xã Liên Sơn đã có trên 70% dân số là hội viên Hội Khuyến học. Nhắc đến những tập thể, cá nhân làm tốt công tác khuyến học không thể không nhắc đến các dòng họ Đinh Quang, Phạm Ngọc, Lưu Danh, Đặng, Bùi…đã duy trì hiệu quả quỹ khuyến học dòng họ để hàng năm khen thưởng cho con cháu đạt thành tích trong học tập, trong đó có dòng họ có mức quỹ cao nhất đạt trên 50 triệu đồng. Hay như Hội đồng hương Liên Sơn tại Hà Nội hàng năm đều gửi tiền về xây dựng Quỹ khuyến học quê hương. Đặc biệt, từ 3-4 năm trở lại đây gia đình anh Ngô Cao Tuấn và chị Lương Thị Minh (xóm 13) cùng với 2 gia đình anh em trong dòng họ ở xa quê thường xuyên dành những phần quà, những suất học bổng để tặng thưởng cho các cháu học sinh giỏi của xóm, đóng góp kinh phí để trường mầm non mua sắm đồ dùng, đồ chơi, quạt điện… mỗi năm trị giá trên 10 triệu đồng…
Tuy là địa phương còn nghèo nhưng sự học của con em nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Hàng năm đã có hàng chục các cháu thi đỗ vào các trường đại học chính quy, cao đẳng. Riêng năm 2014 vừa qua, toàn xã có 25/37 cháu đỗ đại học, tăng so với kỳ thi tuyển sinh đại học năm trước…
Từ những nhận thức đúng đắn về việc xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện của các tầng lớp nhân dân, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã quan tâm xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng dân cư khuyến học. Hàng năm, phong trào đăng ký bình chọn các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học…nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Từ những việc làm thường xuyên, ý nghĩa trong mỗi gia đình trong việc khen thưởng, động viên, tạo điều kiện để con cháu có môi trường, điều kiện học tập tốt đã nhân lên những tấm gương tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi địa phương, đơn vị. Các cơ sở hội khuyến học, ban khuyến học các dòng họ…đã có nhiều biện pháp, cách làm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học, kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ đối với sự học của quê hương, của những người con lập nghiệp xa quê.
Các tấm gương tiêu biểu trong phong trào khuyến học của huyện có thể nhắc đến là: Giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng ủng hộ Quỹ Khuyến học xã Gia Thắng 106 triệu đồng; ông Bùi Văn Sướng, một cán bộ hưu trí ủng hộ Quỹ khuyến học xã Gia Trấn 185 triệu đồng; ông Lê Đức Lâm, doanh nghiệp Ba Sao ủng hộ Quỹ khuyến học xã Gia Phú 100 triệu đồng; ông Nguyễn Bá Trụ, bộ đội nghỉ hưu ở xã Gia Phong ủng hộ 1 phòng máy vi tính đầy đủ tiện nghi trị giá 100 triệu đồng cho Trường THCS Gia Phong; Hội Phật giáo huyện đã trao 23 suất học bổng cho học sinh nghèo xã Gia Hưng với số tiền 11,5 triệu đồng… Từ năm 2009 đến nay, huyện Gia Viễn đã được Hội Khuyến học tỉnh trao tặng 88 bảng vàng khuyến học cho các tập thể, cá nhân ủng hộ quỹ khuyến học các cấp. Hội Khuyến học huyện đã trao thưởng cho hơn 700 giáo viên, học sinh đạt thành tích trong dạy và học với số tiền trên 80 triệu đồng.
Các ban khuyến học dòng họ, chi hội khuyến học tại các thôn, xóm, phố, trường học, đơn vị… đều xây dựng quỹ và tổ chức khen thưởng học sinh đạt thành tích vào các năm học. Qua đó góp phần động viên và thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện của các tầng lớp nhân dân. Nhiều cơ sở Hội khuyến học trong huyện đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc vận động, kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ của các tập thể, cá nhân cùng chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài như: viết thư kêu gọi, thư cảm ơn, lập sổ vàng khuyến học, vận động con em xa quê ủng hộ sự học quê nhà, tổ chức các hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương để thu hút các tầng lớp nhân dân đến học tập, nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực…
Bùi Diệu