Điểm sáng Gia Hòa Trước đây, cứ mỗi độ tháng ba ngày tám, người dân xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) lại kéo nhau đi tìm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng giờ thì số lao động phải ly hương tìm việc làm ít hơn. Vì trong lúc chờ vụ gặt chiêm, mùa, họ không còn lúc nào rảnh rỗi, nào là trồng cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rồi làm các nghề tiểu thủ công nghiệp khác…
Chủ tịch UBND xã Bùi Phú Bắc cho biết: Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo của xã đã đạt được kết quả ấn tượng. Số hộ nghèo năm 2014 chỉ còn 2,6%. Trong tổng số 2.168 hộ thì số hộ khá là 824 hộ, chiếm 39,7%, số hộ giàu chiếm 9,35%, số hộ đủ ăn chiếm 48,4%. Toàn xã có 22 ô tô vận tải, 19 xe công nông, 60 máy làm đất, 38 máy vò lúa… để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, toàn xã có hơn 100 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Mỗi năm, lượng lao động này gửi về địa phương hàng tỷ đồng, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ có ti vi, xe máy chiếm trên 80%, nhiều hộ còn sắm được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác như tủ lạnh, điều hòa...
Đặc biệt, những gia đình chính sách, người có công, người nghèo được địa phương, các đoàn thể quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển sản xuất nên đời sống ngày càng ổn định, nhiều năm nay xã không còn nhà tranh tre dột nát… Có được những kết quả này, phải nói đến nguyên nhân đầu tiên đó là việc bà con trong xã thực hiện có hiệu quả chủ trương "dồn điền, đổi thửa". Để minh chứng, Chủ tịch UBND xã dẫn tôi đi tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi. Địa chỉ đầu tiên là gia đình anh Nguyễn Văn Dương (thôn Cầu Vàng). Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, song từ lâu anh Dương đã được mọi người yêu mến tôn là "Vua cá chuối" với một khu chăn nuôi cá chuối khá tập trung, hiện đại.
Bên cạnh nuôi cá chuối, anh Dương còn nuôi một số con đặc sản khác như: ba ba, nhím. Mỗi năm, anh Dương có thu nhập từ chăn nuôi khoảng 200-300 triệu đồng. Anh Dương nói: Trước đây, gia đình tôi nhận khoán vài sào ruộng, nhưng phải chạy một lúc trên vài cánh đồng với những ô, thửa ruộng chỉ dăm bảy mét vuông. Ruộng đất manh mún thì sao tính chuyện chuyên canh bền vững, giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác không thể nâng cao được. Vậy nên ngay khi có chủ trương dồn điền, đổi thửa của xã, gia đình tôi hưởng ứng đầu tiên. Có thể nói dồn điền, đổi thửa giúp gia đình tôi có đất lập trang trại, xây dựng ao hồ chăn nuôi thì suốt đời tôi cũng chả dám mơ thành "trại chủ" như bây giờ…
Ông Bùi Phú Bắc cho biết thêm: Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, đến nay các tổ chức đoàn thể đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách-Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Hiện, toàn xã có 5 trang trại lớn nuôi lợn, gà, vịt với số lượng trên 50.000 con; 125 hộ nuôi thủy sản với diện tích trên 200 ha. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ nuôi các con đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nhím, hươu, dê… cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Cùng với thâm canh cây lúa, xã đang tập trung phát triển mạnh kinh tế đồi vườn. Toàn xã có khoảng 600 hộ trồng cây ăn quả như: na, vải, nhãn… tập trung ở thôn Gọng Vó, Đồi Ngô, Đá Hàn và phân tán ở một số cơ sở thôn. Vào vụ thu hoạch, thương lái về tận nơi thu mua. Kinh tế đồi vườn đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Thời gian qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được huyện Gia Viễn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Làm thế nào để người nông dân gắn bó và có thể làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình? Nhất là khi đất dành cho sản xuất nông nghiệp đã bị thu hẹp để phục vụ Khu công nghiệp Gián khẩu, một số khu du lịch... luôn là bài toán trăn trở đối với huyện Gia Viễn. Để giải được bài toán này, huyện xác định vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng lao động nghề nông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, giống... để bà con phát triển sản xuất. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp &PTNT tăng cường công tác đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn KHKT tại các thôn, xã cho nhân dân.
Các lớp tập huấn nhằm giúp bà con nhân dân nâng cao hiểu biết về KHKT, hướng tới năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn họ biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng... Nhờ đó, thời gian qua cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào canh tác như: lúa cao sản, đậu tương, khoai tây, rau màu... thông qua các chính sách hỗ trợ giống, tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi... đã góp phần quan trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Kết quả, mặc dù diện tích cấy lúa giảm hơn 400 ha, nhưng nhờ tăng diện tích lúa cao sản, lúa tái sinh và mở rộng diện tích cây vụ đông nên tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn tăng. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 73.000 tấn, vượt 3,13% kế hoạch. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: mô hình một lúa, một cá (tập trung ở Gia Trung, Gia Hòa, Gia Minh...), cải tạo ruộng trũng để nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mô hình chuyển đổi ruộng cao, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp với số lượng hàng nghìn con... đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân.
Bên cạnh nỗ lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Gia Viễn luôn coi đào tạo nghề là khâu then chốt để giải quyết việc làm. Theo đó, huyện đã lựa chọn những xã nghèo, xã có diện tích đất bị thu hồi xây dựng Khu công nghiệp Gián Khẩu, khu du lịch… xây dựng kế hoạch thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức hướng dẫn các địa phương được hỗ trợ kinh phí tuyên truyền hướng dẫn người lao động chọn nghề phù hợp để đăng ký học nghề. Đối với những lao động có sức khỏe, nhận thức tốt, huyện liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp đào tạo. Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên. Những lao động có nhu cầu học nghề đều phải làm đơn, có dấu xác nhận của chính quyền xã, thì huyện mới sắp xếp cho học, để tránh tình trạng người lao động học nghề theo phong trào, không có chất lượng… Trong năm 2014, huyện đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho trên 400 lao động nông thôn, toàn huyện cũng có thêm 5 xưởng may với hơn 500 máy may. Việc phát triển các cơ sở sản xuất, dịch vụ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 8.000 lao động... Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo khác như hỗ trợ BHYT cho người nghèo, hỗ trợ vay vốn cho học sinh, sinh viên, tiền điện… đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,51%.
Nguyễn Hùng