Các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình đất đai, điều kiện thủy lợi, tập quán canh tác, trình độ thâm canh mà xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp cả về cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống lúa. Trà xuân sớm phấn đấu gieo cấy từ 15 đến 25-1, trà xuân muộn gieo cấy cơ bản xong trước 25-2. Mạ gieo làm 2 đợt theo phương thức dày xúc, hoặc mạ nền và 100% được che phủ bằng nilon trong. Khi mạ đủ tuổi thì cấy, đảm bảo đủ số dảnh/khóm và số khóm/m2; cấy từ chân ruộng cao xuống chân ruộng trũng để chủ động nước…
Đồng chí Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bước vào vụ sản xuất, Gia Viễn cũng như các địa phương khác gặp khó khăn về khâu lấy nước do lượng mưa ít, mực nước sông thấp. Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động ký kết với Đội Khai thác công trình thủy lợi ra quân nạo vét thủy lợi nội đồng, khơi thông kênh mương dòng chảy, bảo dưỡng, tu sửa máy móc, huy động tối đa lực lượng phương tiện, tìm mọi cách đưa nước vào đồng ruộng, đảm bảo cho khâu làm đất sớm, kỹ, kịp thời với tinh thần "ruộng chờ mạ". Đến giáp Tết Nguyên đán Tân Mão đồng ruộng của huyện đã cơ bản được cày, bừa xong. Tuy nhiên, do đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nên việc gieo mạ bị chậm lại. Sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết, khí hậu nắng, ấm, bà con nông dân đã xuống đồng cấy lúa đông xuân.
Đồng chí Đỗ Thị Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Từ 10-2 đã có nhiều hộ đã xuống đồng gieo cấy lúa xuân, nhưng xuống đồng rộ nhất là từ 15-2. Đến nay huyện đã cơ bản hoàn tất khâu gieo cấy. Thời gian qua các hộ đã huy động tối đa nhân lực ra đồng với nhiều hình thức liên kết sản xuất như đổi công, thuê, mượn thêm người. Hiện một số nơi, nông dân đang cấy lấn chân mạ, cấy thùng đào, thùng đấu, tỉa dặm những chỗ bị chết. Các xã cấy nhanh, xong trước ngày 25-2 là: Gia Thanh, Gia Xuân, Gia Minh… cấy đến đâu bén rễ hồi xanh nhanh đến đó. Nhìn chung lúa xuân của huyện đang sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh và các đối tượng hại chưa thấy xuất hiện. Các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa xuân. Ông Đinh Văn Cảnh (xã Gia Vân) tâm sự: Vụ này gia đình tôi cấy 1,8 mẫu, gồm cả diện tích đấu thầu, xuống đồng cấy từ ngày 15-2. Do công thợ cấy cao (130.000-150.000 đồng/ngày/người) nên gia đình không thuê, mượn được thợ cấy mà chỉ có lực lượng trong nhà (2 người), đến ngày 2-3 mới cấy xong và đang tập trung chăm sóc đợt 1 cho lúa.
Thời gian tới là giai đoạn rất có ý nghĩa đối với vụ sản xuất. Huyện đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có diện tích lúa cấy ngoài đê (Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Vượng, Gia Thanh…) tập trung chăm sóc sớm, đảm bảo cho lúa sinh trưởng phát triển nhanh, tốt, để kịp thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn đổ về. Về bón phân, theo phương châm: Bón đúng, bón đủ và bón cân đối tỷ lệ phân NPK cho lúa; bón tập trung, kết thúc sớm, nặng đầu nhẹ cuối, nhưng tùy thuộc vào tình hình thời tiết, khí hậu, chất đất, sự sinh trưởng phát triển của cây lúa để điều chỉnh cho phù hợp. Thực hiện tốt chủ trương "3 giảm, 3 tăng" của Bộ Nông nghiệp & PTNT là giảm phân bón, thuốc trừ sâu, lãng phí nước; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chú ý giữ nước, tiết kiệm nước đảm bảo đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng và phát triển trong cả vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả, nhất là các đối tượng hại nguy hiểm như bệnh lùn xoắn lá, rầy nâu, sâu đục thân...
Với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm cùng sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành; sự cần cù, chịu khó của người nông dân tin tưởng vụ đông xuân 2010-2011 Gia Viễn sẽ giành thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Trường Sinh