Quả thật nếu đi trên đường, chạy xe lướt qua nhiều địa bàn, mọi người lầm tưởng, nơi đây nhiều địa bàn bỏ ruộng không cấy lúa. Nhưng sau khi tìm hiểu, diện tích không cấy này đã được nông dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm ngắn vụ hoặc để làm lúa chét…
Thời gian qua, các hộ phát triển nuôi trồng thủy sản nhận được sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể huyện, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện để HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh hoạt động, là chỗ dựa cho các thành viên.
Từ vài năm nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều HTX nuôi trồng thủy sản hoạt động có hiệu quả, như: HTX Đoàn kết Vân Long thành lập tháng 1/2016, HTX nuôi trồng thủy sản Gia Hòa (tháng 1/2016), HTX nuôi trồng thủy sản Gia Tân (tháng 7/2017), HTX thủy sản Sông Hoàng (tháng 6/2018), HTX nuôi trồng thủy sản Gia Minh (tháng 7/2019) và nhiều tổ hợp tác khác.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất ở các địa bàn, nhìn chung mỗi HTX khi thành lập thường có từ 10 đến 30 thành viên, mỗi thành viên góp vốn từ 30 đến 50 triệu đồng, canh tác trên diện tích từ 10 đến 50 ha.
Các HTX thủy sản xác định phương hướng nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục làm tốt các khâu dịch vụ cung ứng phục vụ sản xuất cho thành viên, đồng thời tích cực, chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho các thành viên, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nội dung hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã đảm bảo theo Luật HTX năm 2012.
Nhờ thế, toàn huyện Gia Viễn hiện nay đang duy trì khoảng 1.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại các xã như: Gia Xuân, Gia Tân, Gia Lập, Gia Vân, Gia Phương, Gia Hòa, Gia Minh... Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng.
Hàng năm, ước tính tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt trên 3.000 tấn với giá trị gần 90 tỷ đồng. Nhìn chung, các HTX từ khi thành lập đến nay đều có xu hướng tăng số lượng thành viên, không ngừng tăng vốn đầu tư vào sản xuất.
Ông Phạm Hồng Trình, Giám đốc HTX Dịch vụ, Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Gia Hòa cho biết: Tháng 1/2016, HTX thành lập, khi đó chỉ có 8 thành viên, với số vốn 400 triệu đồng. Việc thành lập HTX đã giúp các hộ dân nuôi cá có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tính toán chọn lựa nuôi loại cá nào cho phù hợp với điều kiện chăm sóc, cũng như xử lý môi trường.
Nhờ tăng cường liên kết giữa các thành viên đã giải quyết được một số khó khăn trong khâu nhập giống, nhập thức ăn cho các loại thủy sản, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Nuôi cá cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3- 5 lần so với cấy lúa.
Cùng với tập hợp, liên kết các thành viên, HTX khuyến khích các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi các loại thủy sản có giá trị cao, phục vụ nhu cầu vào dịp lễ, Tết và nhu cầu cá thả hồ câu. Điển hình như gia đình ông Phạm Trung Nam ở thôn Vân Thị (HTX thủy sản Gia Tân) mạnh dạn đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi cá + nuôi lợn rừng theo hướng nuôi công nghiệp sạch. Với tổng diện tích 10 mẫu đất nông nghiệp, gia đình ông đào 6 ao nuôi cá các loại.
Từ vài năm nay, mỗi năm qua 2 vụ nuôi gia đình ông đạt sản lượng trên 60 tấn cá các loại mỗi năm. Gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, (HTX thủy sản Gia Hòa) thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" đầu tư gần 5 tỷ đồng "tậu" thêm diện tích đất ruộng, xây 4 mẫu ao nổi nuôi cá thịt, sắm máy phát điện ba pha, nhiều máy sục khí, bơm nước, máy cho cá ăn lập trình…
Chỉ tính tiền cám, thức ăn chăn nuôi cá thịt các loại, mỗi ngày gia đình chi ra khoảng 5 triệu đồng. Đây được xem là mô hình chăn nuôi công nghiệp sạch, phương thức vận hành, giám sát khá hiện đại. Một vụ, sản lượng cá mỗi sào ao thường xuyên đạt 1 tấn cá các loại.
Khi đã có những "Điển hình đi trước, làm hay", ở các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân cũng "muốn làm theo". Trong khi hiệu quả của việc sản xuất trong vụ mùa các năm trở lại đây rất thấp, nhất là đối với các chân ruộng trũng, trong khi đó việc chuyển đổi từ trồng lúa ở các chân ruộng này sang nuôi cá quảng canh thời vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ đó người dân có xu hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm (vịt thời vụ). Nên ở vụ mùa này, nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả đã được nhiều địa phương chuyển đổi, không còn cấy lúa như những vụ trước. Gia viễn là địa bàn có địa hình không bằng phẳng, canh tác gặp khó khăn, ảnh hưởng của lũ, lụt nên nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc chăn nuôi gia cầm theo thời vụ ngắn.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh