Ông Dư Xuân Tạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Trung là xã đồng chiêm trũng của huyện Gia Viễn có địa hình tương đối bằng phẳng cho phát triển nông nghiệp và phát triển vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế ở đây cũng chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp (gieo cấy lúa; chăn nuôi gia súc, gia cầm...); nên khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã mới có 8 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia.
Với xuất phát điểm thấp: Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ..., Gia Trung đã tập trung huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM... Sau 7 năm thực hiện chương trình (2011-2018), Gia Trung đã huy động được 229.841 triệu đồng xây dựng NTM, trong đó có 113.100 triệu đồng từ vốn ngân sách; 10.000 triệu đồng từ vốn doanh nghiệp; 63.941 triệu đồng là vốn tín dụng; 42.800 triệu đồng từ vốn của nhân dân (có 31.800 triệu đồng do nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa các công trình nhà ở).
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, UBND xã, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã chỉ đạo các hội, đoàn thể, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp chuyển giao KHKT cho các hội viên, nhất là việc áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Gia Trung có trên 622 ha đất nông nghiệp, trong đó có 501,8 ha đất trồng lúa.
Để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, Gia Trung đã thực hiện công tác "dồn điền, đổi thửa", đưa số thửa bình quân xuống còn 2-3 thửa/hộ. Nhân dân đã hiến 3,6 ha đất và đóng góp gần 700 triệu đồng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhờ vậy, việc đưa máy móc vào đồng ruộng được đẩy mạnh.
Toàn xã hiện có 26 máy làm đất, 3 máy gặt đập liên hợp đảm bảo gần 100% diện tích được làm đất và thu hoạch lúa bằng máy; chủ động hoàn toàn về khâu tưới, tiêu nước nhờ các trạm bơm, máy bơm và hệ thống kênh mương đồng bộ.
Xã có 2 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả thực hiện được 7 khâu dịch vụ cho các thành viên; ngoài ra còn có 2 HTX ngành hàng hoạt động dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, UBND xã còn thường xuyên mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn (tổng nguồn vốn vay khoảng 27,5 tỷ đồng) để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển với tổng đàn hiện có là 40.000 con, trong đó đàn trâu bò có trên 400 con. Tính đến hết năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt 124 triệu đồng/ha, tăng 33 triệu đồng/ha so với năm 2010; giá trị thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 34 hộ, chiếm 1,27%.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn xã có 35 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 4 xưởng may và 200 hộ kinh doanh ngành nghề, 100 hộ làm nghề mây tre đan, 81 phương tiện tàu thuyền có tải trọng từ 600 tấn trở lên... thu hút khoảng 800 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa... Đến tháng 10/2018, xã đã tiếp nhận 1.661,7 tấn xi măng làm mới 145 tuyến đường với tổng chiều dài là 12,28 km...
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Gia Trung đã đầu tư 19 công trình xây dựng cơ bản. Trong đó, trường mầm non, tiểu học, THCS đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa xã và các thôn cũng được quan tâm. Trong thời gian tới, Gia Trung tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
Đinh Chúc