Nhiều loài lần đầu tiên ghi nhận Quần thể danh thắng Tràng An nằm trong diện tích rừng đặc dụng Hoa Lư là nơi có sự đa dạng sinh học cao với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Đa dạng sinh học ở Tràng An thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, đa dạng về nguồn gen, đặc biệt trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Về thực vật, đến nay, đã thống kê được tổng cộng 134 họ với 384 chi và 577 loài khác nhau.
Trong số các loài thống kê được thì có tới 10 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam như: Sữa hoa vàng, Mã đâu linh hải nam hay Tầm cốt phong…ở khu vực Quần thể danh thắng Tràng An còn phát hiện và thống kê được 311 loài thuộc 240 chi, 105 họ thực vật bậc cao có mạch có thể dùng làm thuốc. Một số cây thuốc được coi là quý, thường xuyên có mặt trên thị trường hiện nay như: Bình vôi, Vương tùng, Kim ngân, Hoàng nàn, Mài núi, Huyết giác, Bách bộ…
Bên cạnh hệ thực vật phong phú, các loài động vật ở Tràng An cũng vô cùng phong phú: Động vật thủy sinh trong vùng ngập nước bao gồm 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, đặc biệt ở Tràng An có loài rùa cổ sọc (Ocacliasinensis) được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Động vật trên cạn chưa có thống kê đầy đủ nhưng hiện nay nhân dân địa phương cũng như khách du lịch vẫn còn gặp những bầy khỉ, sơn dương, cầy đổi màu, tê tê, tắc kè, rái cá, mèo rừng, các loài chim như sáo, vẹt, le le, đặc biệt là rắn có mào trên đầu và phượng hoàng đất- một loài chim quý hiếm sống thành bầy đàn.
Nỗ lực để bảo tồn
Có thể khẳng định, với vị trí địa lý đặc biệt, là nơi giao thoa của nhiều luồng động, thực vật, khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ của các loài và hệ sinh thái, tạo nên sự đa dạng sinh học cao mang tính đặc thù và tiêu biểu cho hệ sinh thái núi đá vôi của Việt Nam. Chính sự đa dạng sinh học đã tạo nên môi trường cảnh quan tươi đẹp nơi đây, đóng góp quan trọng trong du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta trực tiếp là Ban Quản lý danh thắng Tràng An, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư đã có nhiều biện pháp nhằm ưu tiên bảo tồn các giá trị sinh học nơi đây. Bên cạnh việc đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế tối đa các hoạt động có thể gây tác động xấu đến môi trường: loại trừ các tác động xấu của hoạt động du lịch, chặt phá rừng, săn bắn chim hay khai thác thủy sản quá mức…, Ban Quản lý danh thắng Tràng An còn phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát những địa điểm có sự đa dạng sinh học cao, những nơi có hệ sinh thái điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ với điều kiện riêng.
Đồng thời phối hợp cùng với các ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan của tỉnh triển khai tổ chức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; xây dựng ý thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ những giá trị của Tràng An. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học.
Được biết, thời gian tới, Ban Quản lý danh thắng Tràng An còn tính tới việc nhân giống một số loài đặc hữu, quý hiếm để nuôi, trồng bổ sung, hạn chế nguy cơ tuyệt chủng cũng như lựa chọn một số địa điểm thích hợp để xây dựng hệ sinh thái nhân tạo và đưa một số loài động thực vật này vào nuôi trồng, bảo vệ.
Bài, ảnh:Hà Phương