Từ công trình nhà văn hóa thôn, xóm.
Về dự lễ khánh thành Nhà văn hóa xóm 1 Lỗi Sơn (Gia Phong - Gia Viễn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì có rất đông người tới dự và có hẳn một chương trình văn nghệ do Nhà hát chèo Ninh Bình biểu diễn.
Hỏi chuyện ông trưởng thôn Vũ Đức Nguyên mới biết: Xóm nghèo nên việc Nhà văn hóa- địa điểm sinh hoạt tập thể của người dân được xây dựng được xem như là "sự kiện" đặc biệt. Với dân số là 301 khẩu/79 hộ, mức thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho năng suất bấp bênh khoảng 200.000 đồng/đầu người thì việc xây dựng một nhà văn hóa trị giá 100 triệu đồng là điều mơ ước của bao thế hệ người dân xóm 1. Vậy nên, khi ý tưởng xây dựng nhà văn hóa được hình thành, từ cấp ủy đến người dân đều cho là khó thực hiện nếu huy động sự đóng góp của nhân dân.
Trong "cái khó ló cái khôn", chi bộ xóm 1 nghĩ đến những người con quê hương hiện đang công tác ở mọi miền Tổ quốc, nhất là những người thành đạt và có kinh tế khá giả. Và rồi, nhà văn hóa xóm 1 được khởi công với sự tài trợ của một "mạnh thường quân" là bác Đinh Duy Chinh, hiện là cán bộ hải quan tại thành phố Hồ Chí Minh, dù đã xa quê hơn 42 năm nhưng tấm lòng và tình cảm với quê hương vẫn còn sâu đậm nên bác cùng với gia đình bàn bạc và nhất trí đóng góp số tiền 90 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa".
Ông Đinh Văn Hạnh dự lễ khánh thành nhà văn hóa rất vui mừng: từ nay, các cuộc họp xóm sẽ có đông đủ mọi người đến dự để cùng trao đổi, thảo luận các nội dung của cuộc họp, nhất là truyền đạt kinh nghiệm sản xuất
Thêm nhiều công trình sau lũ
Trao đổi với ông Đinh Quốc Trị, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phong được biết: Nhà văn hóa xóm 1 là công trình nhà văn hóa đầu tiên của xã được xây dựng mới khang trang và đẹp. Đến nay, toàn xã đã có 3/10 xóm có nhà văn hóa. Sau trận lũ lịch sử, tại Gia Phong nhiều công trình bị hư hỏng. Đặc biệt, số hộ nghèo, tái nghèo gia tăng nên từ đó đến nay xã tập trung triển khai các giải pháp giảm nghèo như: chỉ đạo sản xuất, tổ chức dạy nghề…
Cùng với đó, được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, của huyện và dự án "sống chung với lũ", trên địa bàn xã đã có thêm nhiều công trình được khởi công xây dựng như: dự án đường giao thông nông thôn trị giá 300 triệu đồng, dự án kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trị giá 600 triệu đồng, dự án nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ nhân dân trong xã…
Đến nay, công trình đường giao thông đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, công trình còn lại đang trong quá trình xây dựng, phấn đấu sớm đưa vào sử dụng. Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thì đã nhiều năm qua, nhất là thời điểm từ đợt lũ lụt năm ngoái, nhiều khó khăn của địa phương đã có sự chia sẻ của những người con có tình cảm sâu nặng với quê hương như: bác Đinh Duy Chinh, anh Bùi Văn Thuấn (doanh nghiệp xây dựng Phước Lộc)….
Đó chính là sự sẻ chia hết sức quý báu để cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước hoàn thiện các công trình bị hư hỏng do bão, lũ. Đồng thời, đó cũng là động lực để địa phương nỗ lực thoát khỏi danh sách các xã nghèo của huyện, của tỉnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu