Trong số anh em chúng tôi, có người hoạt động cùng thời với anh và có không ít người là lớp đàn em sinh sau, đến muộn với VHNT nhưng đều được anh gần gũi sẻ chia, khích lệ.
Anh sống hòa đồng, giản dị, chân thành, không ít anh em văn nghệ sĩ khi chập chững đến với sự nghiệp văn chương, anh đã mở lòng giúp đỡ, động viên họ vượt lên. Trong giới nghệ sĩ sân khấu anh như người anh, người bạn luôn tiếp cho họ niềm đam mê, cháy khát trong cống hiến, sáng tạo.
Trong giây phút cuối của cuộc đời, anh đã để lại những kỷ niệm thật khó quên, đó là tinh thần lạc quan, đam mê sáng tác đầy bản lĩnh của một nghệ sĩ, một người cầm bút trọn đời không ngừng nghỉ.
Còn nhớ, vào đầu giờ chiều ngày 6/5, theo lịch hẹn chúng tôi đã có mặt tại Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để đi dự trại sáng tác tại Hải Thịnh. Tôi có mặt khá sớm nhưng đã thấy anh đang ngồi chuyện trò với mọi người.
Lâu ngày gặp lại, thấy anh đã yếu đi nhiều. Đến giờ khởi hành, mọi người đỡ anh lên hàng ghế đầu, anh còn nói vui: Đến với các bạn văn được nâng giấc chu đáo thế này, không đi có phải thiệt không.
Đến trại viết, văn phòng Hội đã bố trí cho anh một căn phòng tiện nghi ở tầng I của khách sạn để dễ trông nom, chăm sóc anh. Sau bữa ăn sáng ngày hôm sau (7/5) đã thấy anh cặm cụi ngồi viết, cái lưng còng gần như đổ xuống mặt bàn song vẫn không kém phần say sưa, mê mải.
Thấy trên bàn bộn bề những trang bản thảo, tôi nói vui: Sao xếp "chiến đấu" hăng thế, phải để cho "con chiến mã" được nghỉ ngơi chứ. Anh cười hiền: "Tớ còn nhiều việc phải làm lắm, kỳ này đang cố hoàn thành bản thảo chuyện một người phụ nữ đã nhiều năm khoác ba lô lặn lội khắp núi rừng Tây Bắc đi tìm mộ chồng và chuyển thể một chuyện ngắn về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà thơ, nhà văn Thanh Thản mà tớ thấy rất tâm đắc".
Thế đấy, với trên 6 thập kỷ lao động nghệ thuật, anh chưa có phút nào ngơi nghỉ, anh vẫn miệt mài sáng tạo và dâng hiến, con tằm vẫn mê mải nhả tơ. Vài ngày sau, thấy anh có những biểu hiện bất thường, đang đêm lãnh đạo Hội cho đánh xe xuống, động viên anh về để gia đình chăm sóc, nhưng anh vẫn không nghe.
Anh bảo: Các đồng chí cứ yên tâm, mình không sao đầu, với ở lại với anh em vui lắm. Nhưng thật bất ngờ, sáng 10/5 anh lại đề nghị sáng 11/5 cho anh về sớm. Đáp ứng nguyện vọng của anh, lãnh đạo Hội đã bố trí phương tiện, cán bộ để cùng anh về Hà Nội bảo đảm chu đáo, an toàn. Trước khi về Hà Nội, chiều 10/5, anh nhờ 2 cô phục vụ đèo anh ra bãi biển cách nhà nghỉ khoảng hơn 100m, khi đã đặt 2 chân xuống bờ cát, anh như cố vươn thẳng lên, ngắm nhìn biển cả bao la, từng con sóng ánh lên những tia lân tinh, vỗ vào đôi chân anh.
Biết anh thèm tắm biển mà lực bất tòng tâm, cô nhân viên nhà phòng đã múc mấy thau nước biển dội vào chân cho anh. Khuôn mặt già nua của người nghệ sĩ như rạng rỡ hẳn lên. Hẳn từ trong sâu thẳm lòng mình, anh đã nhận ra một điều gì đó mơ hồ mà không gọi thành tên nên anh khao khát được ra với biển, được khắc ghi hình ảnh của biển trời Tổ quốc mà từ lâu đã hòa vào máu thịt trong anh.
Và bữa cơm chiều hôm ấy, dáng anh như nhanh nhẹn ra. Nghe anh nói, nhìn anh ăn ai cũng cười vui. Về đến phòng sau bữa ăn cơm chiều, anh bình thản sắp xếp tài liệu, rồi bình thản tặng nhà văn Hữu Văn cái bút anh đang viết dở, làm xong việc đó anh ngả mình nằm nghỉ.
Từng đợt gió biển hào phóng lùa qua cửa sổ mơn man, khẽ đưa anh vào giấc ngủ. Vào đúng 2h15' sáng ngày 11/5, bỗng nghe tiếng anh Văn gọi to, mọi người ào dậy chạy vội xuống phòng anh.
Anh Hữu Văn cho biết, anh ấy dậy đi vệ sinh, sau đó thì thấy rất mệt. Được anh em gọi xe cấp cứu đưa sang bệnh viện điều dưỡng của tỉnh Nam Định nằm cách đấy khoảng 1000m. Nhưng tiếc thay, chỉ mới đến bệnh viện thì anh đã trút hơi thở cuối cùng.
Am Viết Đàm sinh năm 1928 tại thôn Tam Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô. Sau khi về nghỉ chế độ anh về ở với người con trai ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, năm 17 tuổi anh đã tham gia làm công tác tuyên truyền trong mặt trận Việt Minh của xã.
Năm 1948 viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia đánh Pháp tại Ninh Bình. Năm 1951 chuyển về hoạt động tại vùng địch hậu Yên Khánh. Năm 1959, chuyển công tác về Ty văn hóa Ninh Bình, làm Trưởng phòng Văn nghệ.
Với khả năng thiên phú, với nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc, anh đã được tổ chức tin cậy đề bạt làm Phó ty Văn hóa Ninh Bình. Trong những năm công tác tiếp theo, anh được tín nhiệm đề bạt làm Phó bí thư Huyện ủy Gia Viễn rồi Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, Bí thư Thị ủy Ninh Bình. Sau ngày hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh, năm 1980, anh lại trở về làm Phó Giám đốc sở Văn hóa thông tin rồi được cử đi làm chuyên gia ở Campuchia cho đến ngày về nghỉ chế độ.
Trong chặng hành trình lao động sáng tạo, anh đã để lại những dấu ấn khá đặc biệt. Đã viết 50 vở kịch, chèo dài, được trên 20 đoàn nghệ thuật của Trung ương, của tỉnh, thành dàn dựng. Một số vở diễn đã được ghi hình, ghi âm phát sóng trên đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt nam.
Tiêu biểu như vở "Nàng tiên núi Thúy", "Những người nói thật", "Trương Hán Siêu". Đặc biệt "Những người nói thật" đã được hàng chục đoàn dàn dựng, được in vào tuyển tập "Văn học Việt Nam thế kỷ 20" và tập "Kịch hát Việt Nam chọn lọc".
Ngoài ra anh đã viết trên 100 kịch ngắn, hoạt cảnh, tiểu phẩm cho các đội văn nghệ cơ sở, các đài phát thanh tỉnh, thành phố, đài tiếng nói Việt Nam dàn dựng phục vụ công chúng khán giả yêu nghệ thuật. Vừa qua, nhà xuất bản Sân khấu đã quyết định in tuyển tập kịch An Viết Đàm (gồm 2 tập, dày 1200 trang với số lượng 600 cuốn).
Với 86 tuổi đời, 65 tuổi đảng, gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng và lao động nghệ thuật, anh đã được vinh danh, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng nhất, 2 Huân chương lao động, 1 Huân chương Hữu nghị và trên 20 huy chương, kỷ niệm chương các loại.
Trên lĩnh vực lao động nghệ thuật vở "Bài báo chưa đăng" đạt giải nhì cuộc thi Kịch bản sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Vở "những người nói thật" được đài Phát thanh và truyền hình Việt Nam tặng giải nhì kịch bản sân khấu truyền hình. Ngoài ra, còn tặng 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cho kịch bản sân khấu tại các kỳ hội diễn toàn quốc và khu vực. Anh đã 3 lần được tặng giải cao giải VHNT Trương Hán Siêu.
Viết những dòng này, như một nén tâm hương, dâng lên trước linh vị anh, chúc anh, người anh lớn của nền VHNT, giới sân khấu Ninh Bình thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng, mãi sống với thời gian.
Lê Liêu
Trại viết Hải Thịnh- Hè 2013