Đến với Hội diễn năm nay, mỗi đoàn tuyển đại diện cho các huyện, thành phố, thị xã đều mang đến những nét tươi mới, mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đồng thời tuyên truyền về việc thực hiện xây dựng nông thôn mới qua các tiểu phẩm Chèo. Có lẽ, đây là Hội diễn khơi dậy được nhiều tiềm năng của các thế hệ năng khiếu và hạt nhân văn nghệ nhất của các huyện, thành phố, thị xã từ khi tái lập tỉnh đến nay, diễn viên trẻ nhất là 6 tuổi và cao nhất là 85 tuổi. Điều đáng nói ở Hội diễn này là các Câu lạc bộ Chèo của các địa phương và các trường Trung học cơ sở đã tạo điều kiện cho các tiềm năng văn nghệ được sáng tạo, được thả hồn vào trong các câu hát chèo, hát xẩm, hát dân ca Mường, độc tấu sáo Mèo, đàn bầu. Hầu hết các đoàn tuyển đều lựa chọn theo đúng thể lệ của Ban tổ chức, có hát chèo, hát xẩm; có độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; có thể loại sân khấu như: hoạt cảnh hoặc hát hầu đồng theo hình thức sân khấu hóa. Nhiều đơn vị đã quan tâm đến chất lượng nghệ thuật, khơi dậy các tiềm năng sẵn có được Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo và Hội diễn ghi nhận như: đoàn tuyển thị xã Tam Điệp; đoàn tuyển huyện Kim Sơn và Gia Viễn; dàn dựng công phu và chất lượng nghệ thuật cao như đoàn tuyển thành phố Ninh Bình…
Mảng sân khấu của đoàn tuyển huyện Hoa Lư đã khơi dậy sự đam mê của Câu lạc bộ Chèo xã Ninh An, có sự đầu tư tốt về kịch bản; các diễn viên tham gia biểu diễn hoạt cảnh của đoàn tuyển huyện Yên Mô biểu diễn có nghề; tiết mục hầu đồng của thị xã Tam Điệp và Thị Màu lên chùa của huyện Kim Sơn cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong Hội diễn… Tuy nhiên, về mảng sân khấu nói chung, các đoàn tuyển đều tự biên tự diễn, chưa có bàn tay của các đạo diễn và tác giả chuyên nghiệp nên các hoạt cảnh mới chỉ dừng lại ở việc đọc lời của diễn viên, chưa biểu hiện được tâm lý nhân vật.
Các tiết mục đơn ca như hát chèo, hát văn, hát xẩm, có thể nói là "mãn nhĩ mãn nhãn". Đặc biệt, tiết mục: độc tấu sáo Mèo của huyện Nho Quan, đàn bầu của huyện Kim Sơn, sáo trúc của huyện Hoa Lư; hát chầu văn của thị xã Tam Điệp; hát xẩm của thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô đều có những nét riêng song cũng có những đơn vị còn chưa chủ động trong việc đầu tư các tiết mục mới, còn tập luyện và mang những tiết mục đã có sẵn để tham gia Hội diễn…
Có thể nói, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2013 theo thể lệ này là một hướng đi đúng và trúng của các cơ quan tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mang lại những giá trị tích cực trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần, trách nhiệm đối với văn hóa truyền thống và khơi dậy được tiềm năng văn nghệ của các địa phương.
Hy vọng mùa Hội diễn năm 2014 sẽ có nhiều tiết mục, nhiều gương mặt mới và sự đầu tư nhiều hơn của các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn để khán giả được thưởng thức những món ăn tinh thần hay hơn nữa.
Mai Thủy