Tại Hội đồng thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đây là hội đồng có số phòng thi nhiều nhất với 27 phòng thi gồm 633 thí sinh của trường THPT Đinh Tiên Hoàng và trường THPT Ninh Bình- Bạc Liêu. Theo báo cáo của Chủ tịch Hội đồng thi Lê Văn Thuyết, ngay từ 6h30 phút sáng, Hội đồng thi đã tổ chức khai mạc kỳ thi và làm các thủ tục theo quy định để thí sinh vào phòng thi dự thi môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Qua kiểm tra của Ban chỉ đạo các kỳ thi tỉnh, đây là Hội đồng thi có số lượng thí sinh nhiều nhất nhưng công tác chuẩn bị công tác thi, việc chuẩn bị các phương án cho kỳ thi…được thực hiện chu đáo. Ngay phía ngoài cổng trường, khu vực chờ đến môn thi thứ 2 của thí sinh được bố trí, mắc rạp, chuẩn bị quạt mát, nước uống đầy đủ cho thí sinh…Tại các phòng thi, thí sinh làm bài rất nghiêm túc. Tại Hội đồng thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng, môn thi đầu tiên, 100% thí sinh có mặt tại phòng thi.
Tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, THPT Hoa Lư A, qua công tác kiểm tra của Ban chỉ đạo các kỳ thi tỉnh cho thấy các hội đồng đều nghiêm túc triển khai các quy định, quy chế của kỳ thi, không khí trường thi diễn ra nghiêm túc.
Môn thi mở đầu kỳ thi tốt nghiệp năm nay là môn Ngữ văn, theo đánh giá của nhiều người đây là môn có nhiều thay đổi lớn trong cấu trúc đề thi, đó là sự xuất hiện của phần đọc- hiểu. Trong phần này, đề thi sẽ đưa ra cho các thí sinh một văn bản mà các bạn chưa từng học trong chương trình trước đó. Đề thi yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích. Như vậy, không có nghĩa là học sinh học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua quá trình học, học sinh có được năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu.
Và không nằm ngoài dự đoán của nhiều giáo viên, học sinh, sự kiện thời sự "nóng" hiện nay là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được đưa vào đề thi môn Ngữ văn phần đọc-hiểu với yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện trên.
Vừa ra khỏi phòng thi, rất nhiều thí sinh đã trao đổi, tranh luận sôi nổi về đề thi. Theo em Nguyễn Thị Cúc (Trường THPT Ninh Bình- Bạc Liêu): Đề thi Ngữ văn năm nay là dạng đề mở, lại đúng vấn đề thời sự ai cũng quan tâm nên học sinh chúng em có cơ hội để thể hiện thái độ của tuổi trẻ trước sự kiện này, từ đó có những hành động yêu nước đúng đắn và phù hợp…Trao đổi thêm với nhiều thí sinh sau khi môn Ngữ văn kết thúc, phần lớn thí sinh hài lòng với đề thi năm nay theo dạng đề mở giúp học sinh có cơ hội thể hiện suy nghĩ, chính kiến của bản thân trước các vấn đề của xã hội, đất nước...
Buổi chiều, nhiều Hội đồng thi đánh giá là buổi thi có sự phức tạp trong việc tổ chức, bởi trong 1 buổi tổ chức 2 môn thi là Vật lý và Lịch sử. Tại Hội đồng thi trường THPT Gia Viễn C, vừa kết thúc môn thi Vật lý, thí sinh nhanh chóng rời khỏi khu vực trường thi để nhường địa điểm cho thí sinh vào thi môn Lịch sử.
Trao đổi nhanh với thí sinh Nguyễn Thiên Sơn, em cho biết: môn Vật lý với các câu hỏi vừa sức với lực học của em. Tuy nhiên, đề thi nhiều câu hỏi, có 1-2 câu khó. Với việc được lựa chọn 2 môn thi tự chọn, em chọn Lý và Hóa vì đây là 2 môn thi trong khối thi em đăng ký dự thi đại học nên khá thuận lợi cho việc ôn tập. Ngày mai dự thi môn Hóa học nữa là em hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tại Hội đồng thi trường THPT Gia Viễn C có 239 thí sinh nhưng việc lựa chọn 2 môn thi tự chọn khá giống nhau: có 200 thí sinh chọn thi Vật lý và Hóa học, 39 thí sinh chọn thi Lịch sử và Địa lý, không có thí sinh nào chọn thi môn Sinh học và Ngoại ngữ nên chỉ sau ngày thi thứ 2, Hội đồng thi này hoàn thành việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Môn thi Lịch sử diễn ra vào cuối buổi chiều, với số lượng thí sinh ít nên tại nhiều Hội đồng thi chỉ có 1- 2 phòng thi. Ngay khi vừa kết thúc môn thi, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi bởi đề thi năm nay có 2 câu đề cập đến các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Hiệp định Pari năm 1973.
Thí sinh Trần Quang Hưng (Hội đồng thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho biết: Đây là 2 trong số nhiều sự kiện mà trong quá trình học môn Lịch sử, học sinh chúng em luôn ghi nhớ. Chỉ riêng 2 câu hỏi trên, nếu làm hết cũng đã được 7 điểm... Với nhiều thí sinh chọn thi môn Lịch sử, do việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp tự chọn trùng với các môn thi của khối thi đại học nên đề thi không khó, lại có thời gian ôn tập nhiều nên dễ kiếm được điểm cao...
Theo nhận xét của các đoàn thanh tra công tác thi của Sở Giáo dục- Đào tạo, mặc dù có sự thay đổi so với kỳ thi các năm trước trong việc tổ chức 2 môn thi trong 1 buổi, nhưng các Hội đồng thi đã có phương án, sự chuẩn bị chu đáo nên không để xảy ra tình trạng lộn xộn giữa thời gian nghỉ và chờ của 2 môn thi.
So với buổi sáng, số thí sinh dự thi 2 môn thi buổi chiều tại các Hội đồng thi trong tỉnh giảm hẳn vì đây là 2 môn thi tự chọn. Toàn tỉnh có 6.537 thí sinh dự thi môn Vật lý với 284 phòng thi, môn Lịch sử có 959 thí sinh dự thi với 49 phòng thi. Để chuẩn bị cho phương án 2 môn thi trong 1 buổi, các Hội đồng thi đều quan tâm bố trí khu vực ngồi chờ đến môn thi cho thí sinh là các trường học, nhà văn hóa gần kề trường thi hoặc mắc rạp ngay cổng trường thi.
Trong ngày thi thứ nhất, Sở Giáo dục- Đào tạo đã tổ chức 4 đoàn thanh tra lưu động để thanh tra, kiểm tra công tác thi tại các Hội đồng thi. Đoàn thanh tra lưu động của Bộ Giáo dục- đào tạo cũng về kiểm tra công tác thi tại Ninh Bình. Theo đánh giá của các đoàn thanh tra, ngày thi đầu tiên tại các Hội đồng thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Trong ngày thi đầu tiên, toàn tỉnh có 6 thí sinh không dự thi, trong đó có 1 thí sinh có lý do ốm trước kỳ thi, 5 trường hợp không có lý do. Ngày thi thứ nhất cũng ghi nhận không có trường hợp giám thị, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Phan Hiếu