Theo ghi nhận của các đoàn thanh tra, các thí sinh và phụ huynh, tại các điểm thi, kỷ luật phòng thi được siết chặt, cơ sở vật chất phục vụ cho các thí sinh dự thi được chuẩn bị chu đáo đã tạo điều kiện cho kỳ thi lần đầu tiên diễn ra tại tỉnh Ninh Bình an toàn, thuận lợi và nghiêm túc. Thời tiết những ngày diễn ra kỳ thi cũng tương đối thuận lợi, góp phần giúp các thí sinh có tâm lý thoải mái và tự tin để hoàn thành tốt bài thi của mình. Chị Nguyễn Thị Thìn, xã Khánh An (Yên Khánh) chia sẻ: Năm nay, các cháu được thi tại tỉnh, tôi thấy rất hợp lý và thuận tiện, vừa đỡ tốn chi phí đi lại cho gia đình, vừa giữ gìn được sức khỏe cho các cháu. Để con yên tâm và tiện hỗ trợ cháu khi cần thiết, vợ chồng tôi thu xếp thay nhau đưa đón con trong những ngày thi. Hy vọng với kiến thức học được và sự quan tâm của bố mẹ, cháu sẽ làm bài tốt, đủ điểm xét tuyển vào trường đại học mà mình mơ ước.
Trong ngày thi thứ nhất với 2 môn Toán và Ngoại ngữ, là những môn bắt buộc đối với các thí sinh kể cả thi đại học và xét tốt nghiệp THPT. Theo ghi nhận của các thí sinh, cả hai môn đều có đề thi vừa sức, mang tính phân loại cao. Đối với môn Toán, có những câu tương đối dễ do kiến thức đa phần nằm trong chương trình lớp 12, thí sinh nào cũng có thể làm được để đạt điểm trung bình. 3 câu cuối khó hơn, dành cho những thí sinh học giỏi và thi đại học khối A, B.
Em Trần Văn Thái, thi tại điểm Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Đề Toán năm nay nội dung chủ yếu là lớp 12, nhưng những câu cuối thì khó quá, em không thể làm được. Môn Ngoại ngữ thì dễ hơn, em làm được khoảng 60%, cả hai môn chắc cũng được 5-6 điểm. Em chỉ thi để lấy xét kết quả tốt nghiệp THPT nên nghĩ là đề thi vừa sức và không lo lắng lắm. Nếu đỗ tốt nghiệp, em sẽ đi học nghề, vì học nghề nhanh ra trường và dễ kiếm việc làm hơn...
Để hỗ trợ cho các thí sinh và phụ huynh trong những ngày diễn ra kỳ thi, tại các điểm thi đại học và tốt nghiệp, đoàn thanh niên đã phân công và thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi từ 8-10 người để hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu nhà trọ, quán ăn cho thí sinh và phụ huynh. Đồng thời thành lập 1 đội tham gia phục vụ nước uống miễn phí, trông coi túi xách, đồ dùng cho thí sinh tại các điểm thi có nhiều thí sinh ở xa đến.
Sang ngày thi thứ hai với 2 môn Ngữ văn và Vật lý, số thí sinh dự thi không có nhiều biến động vào buổi sáng nhưng giảm đáng kể vào buổi chiều do Ngữ văn là môn thi bắt buộc, còn Vật lý là môn thi tự chọn. Với những thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng khối A1 và D, các em đã kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Tại các cụm thi ở thành phố Ninh Bình, theo ghi nhận của phóng viên, ngày thi tiếp tục diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Theo nhiều thí sinh dự thi, đề môn Văn hơi dài, như ở phần đọc hiểu có 3 điểm, nhưng có đến 8 câu phải trả lời, dẫn đến nhiều thí sinh mất nhiều thời gian để làm ở phần thi này. Đối với những em thi chỉ để xét tốt nghiệp (đăng ký xét tuyển ĐH ở các khối A, B) thì sau 2/3 thời gian làm bài, các em đã rời khỏi phòng thi với tâm trạng yên tâm, cho rằng, dù dài nhưng đề ra vừa sức, có sự phân hóa rõ rệt, các em sẽ đạt được điểm trung bình, tránh bị điểm liệt.
Buổi chiều ngày 2/7, các sĩ tử thi môn Vật lý theo hình thức trắc nghiệm với thời gian 90 phút. Kết thúc bài thi vào lúc 16h, tại điểm thi Trường THCS Lê Hồng Phong (cụm thi Đại học Mỏ - Địa chất chủ trì), hàng chục thí sinh ùa ra với vẻ mặt phấn khởi. Theo nhiều thí sinh, cấu trúc đề thi môn Vật lý không nhiều bất ngờ. Hầu hết các em đã được ôn tập nhiều lần nên hoàn thành nhanh ở 30 trong tổng số 50 câu dễ, chắc chắn sẽ được 6-6,5 điểm; 20 câu khó còn lại dành cho các em dự định xét tuyển đại học khối A, nếu làm được một nửa trong số đó, cũng có thể đạt điểm 8, điểm 9.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, hết ngày thứ 2 diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, tại cụm đại học, mỗi buổi thi có từ 23-28 trường hợp không đến dự thi và cụm thi tốt nghiệp có từ 5- 6 thí sinh không tham gia dự thi (trong đó hầu hết là thí sinh tự do). Riêng ngày 2/7, cụm thi tốt nghiệp có 5 trường hợp không dự thi là các thí sinh ở điểm thi của Trường THPT Yên Mô A (huyện Yên Mô), Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) và Trường THPT Nho Quan B (huyện Nho Quan), nguyên nhân chủ yếu là do các em ốm nặng không thể dự thi.
Sang ngày thi thứ ba (3/7), thí sinh dự thi 2 môn Địa lý và Hóa học. Thời tiết nắng nóng và oi bức hơn các ngày trước, nhưng xác định là kỳ thi quan trọng nên từ sáng sớm các thí sinh đã có mặt đông đủ tại điểm thi, chuẩn bị những đồ dùng, vật dụng có thể mang vào được theo quy định để phục vụ tốt nhất cho môn thi.
Đối với môn Địa lý, toàn tỉnh có 2.997 thí sinh tham gia dự thi, trong đó có 3 thí sinh vắng mặt. Nắm bắt tại một số điểm thi cho thấy, kết thúc 180 phút làm bài thi buổi sáng, nhiều thí sinh đánh giá, đề thi vừa sức nhưng có tính phân loại giữa thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp và thí sinh thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nội dung câu hỏi nằm trong chương trình phổ thông, không đánh đố học sinh, dễ hiểu. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề đang được cả xã hội quan tâm liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực đất nước. Đó là vấn đề các vùng kinh tế trọng điểm, quy mô lao động, ngành công nghiệp chế biến lương thực, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Buổi chiều 3/7, cũng như môn Địa lý, môn Hóa học là môn tự chọn được nhiều thí sinh hoàn thành xong trước 90 phút do đề thi không khó, trong đó có 60% là cơ bản và 40% bài mở với mức độ khó tăng dần dành cho học sinh khá, giỏi. Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ quan điểm trong công tác ra đề đó là đảm bảo phân loại thí sinh với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó, môn Hóa học tuy không quá khó nhưng vẫn mang tính phân loại cao. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh thi xong cảm thấy "nhẹ nhõm" vì đã hoàn thành 2/3 các môn thi của khối B. Được biết, tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi trong ngày vẫn đạt trên 99%.
Đồng chí Tạ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp), Trưởng điểm thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nho Quan B cho biết: Đây là điểm thi lớn nhất tỉnh, gồm 30 phòng thi với hơn 700 thí sinh, gồm học sinh của các Trường THPT Nho Quan A, Nho Quan B, Nho Quan C, Trường Dân tộc nội trú và TTGDTX Nho Quan. Trong 3 ngày diễn ra kỳ thi, hội đồng thi đã thực hiện nghiêm túc quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đó không để xảy ra vi phạm ở cả cán bộ coi thi cũng như thí sinh dự thi. Tại điểm thi có 2 thí sinh không đến dự thi ở tất cả các ngày thi, thuộc Trường THPT Nho Quan A và Trường Dân tộc nội trú.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 3 ngày thi THPT Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tại 17 điểm thi (8 điểm thi tốt nghiệp và 9 điểm thi đại học), nhìn chung các thí sinh và cán bộ coi thi thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Trong các ngày thi, ở cả cụm thi đại học và tốt nghiệp, số thí sinh nghỉ thi không nhiều, tỷ lệ thí sinh tham gia đạt từ 99-99,5%. Lực lượng thanh niên tình nguyện, công an được huy động đã phối hợp, tập trung giữ gìn an ninh trật tự, giải phóng nhanh ùn tắc giao thông cục bộ trước và sau giờ thi tại một số điểm thi.
Trong 3 ngày diễn ra kỳ thi, 3 đoàn thanh tra của Ban chỉ đạo kỳ thi tỉnh và 1 đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại nhiều điểm thi trong tỉnh. Tại các điểm đến kiểm tra, đoàn thanh tra, kiểm tra đều yêu cầu giám thị nhắc nhở, phổ biến quy chế thi nhiều lần cho thí sinh trước khi vào phòng thi và kết thúc mỗi buổi thi nhằm hạn chế tối đa thí sinh vi phạm quy chế thi trong các ngày diễn ra kỳ thi.
Ngày 4/7 - ngày thi cuối cùng, các thí sinh thi khối C và khối B sẽ thi 2 môn, buổi sáng môn Lịch sử, thời gian làm bài 180 phút, theo hình thức tự luận và buổi chiều thi môn Sinh học, thời gian làm bài 90 phút, theo hình thức trắc nghiệm.
Mỹ Hạnh