Với sự kiện này, nhà thờ Lê Phúc Đạt tiếp tục được tôn vinh và gìn giữ, phát huy giá trị to lớn trong giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân trong xã nói chung và con cháu dòng họ Lê nói riêng.
Theo giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã Gia Vân, chúng tôi về thăm Di tích Nhà thờ Lê Phúc Đạt ở thôn Bích Sơn. Bên ngôi nhà thờ cổ kính, các cụ trong Hội đồng gia tộc họ Lê niềm nở tiếp chúng tôi, tự hào giới thiệu về nhà thờ và sự hình thành, phát triển của dòng họ. Nhà thờ Lê Phúc Đạt là một ngôi nhà ngói 5 gian được xây dựng theo kiến trúc cổ trên khuôn viên rộng 336 m2, với những mảng chạm khắc hoa văn cổ tinh xảo, trong nhà thờ vẫn lưu giữ được những hiện vật quý như: Sắc phong, bia đá, đại tự...từ thời Nguyễn.
Theo các tư liệu còn lưu giữ tại dòng họ, Nhà thờ được xây dựng vào khoảng năm 1878. Trải qua thời gian, nhà thờ bị xuống cấp, đến năm 2003, con cháu trong dòng họ đã trùng tu, tôn tạo lại. Trong câu chuyện với chúng tôi, các thành viên trong Hội đồng gia tộc họ Lê cho biết, Di tích Nhà thờ Lê Phúc Đạt là nơi thờ cúng, tưởng niệm cụ Lê Phúc Đạt, người có công lao trong việc mở mang điền thổ, thành lập thôn Bích Sơn Thượng, xã Bích Sơn (nay thuộc xã Gia Hòa) dưới thời Nguyễn. Nhà thờ cũng là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị tiên tổ họ Lê, thôn Bích Sơn.
Thành viên Hội đồng gia tộc họ Lê xem lại Sắc phong của dòng họ từ thời Nguyễn. Ảnh:
Trần Đức Cụ Lê Văn Bát, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết, dòng họ Lê, thôn Bích Sơn được hình thành từ thế kỷ 17, đến nay đã trở thành một dòng họ lớn, phát triển đến đời thứ 15, tổng cộng có khoảng 500 khẩu, con cháu sinh sống và làm việc ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài.
Dòng họ Lê, thôn Bích Sơn có truyền thống khoa bảng, trong các thời kỳ lịch sử có nhiều người đỗ đạt, làm quan, có công với dân, với nước, tiêu biểu như cụ Lê Phúc Đạt, Lê Đình Vụ, Lê Đình Khánh...Dòng họ cũng tự hào có những người con đã cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiêu biểu có 5 cụ lão thành, tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, đó là các cụ: Lê Đức Thục, Lê Ngọc Dưỡng, Lê Đức Phong, Lê Ánh, Lê Hữu Dực. Cụ Lê Đức Thục trước Cách mạng Tháng Tám là Trung đội trưởng Trung đội tự vệ thôn Bích Sơn, hoạt động và tham gia giành chính quyền chiếm huyện lỵ Gia Viễn tháng Tám năm 1945. Trong số các cụ lão thành cách mạng của dòng họ Lê, hiện có 2 cụ còn sống là cụ Lê Ánh và cụ Lê Hữu Dực.
Được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ, trong ký ức của cụ ánh, cụ Dực, những ngày tháng Tám năm 1945 là những ngày tháng không thể nào quên. Các cụ vẫn thường xuyên kể cho con cháu trong gia đình và dòng họ về sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Gia Viễn, để mỗi người đều hiểu rằng họ đang thừa hưởng những tài sản vô giá từ lịch sử và cha ông để lại, từ đó khắc sâu niềm tự hào và thấy rõ trách nhiệm trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dòng họ Lê, thôn Bích Sơn đã tiễn nhiều con cháu lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trong số đó có 20 người con của dòng họ đã ra đi mãi mãi không trở về. Trong tấm bia ghi công của dòng họ, có tên 6 liệt sĩ chống Pháp, 14 liệt sĩ chống Mỹ, họ là những người con ưu tú của dòng họ đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong dòng họ còn có 20 đồng chí thương, bệnh binh, các gia đình thương binh, liệt sĩ luôn được bà con trong thôn và các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Gia đình liệt sĩ Lê Thế Hạng đã được doanh nhân Lê Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Thành là một người con trong dòng họ xây tặng nhà tình nghĩa.
Dòng họ Lê, thôn Bích Sơn cũng là một dòng họ có truyền thống hiếu học. Cụ Lê Anh Thự, Chủ tịch Hội đồng gia tộc tâm sự với chúng tôi, dòng họ hiện có 4 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và hơn 100 con, cháu trong dòng họ có trình độ đại học. Dù công tác ở nơi nào, những người con của dòng họ luôn hướng về cội nguồn. Để phát huy truyền thống hiếu học của gia tộc, Hội đồng gia tộc đã lập quỹ khuyến học, khuyến tài, hàng năm vào dịp đầu năm học mới đều tổ chức tuyên dương, phát thưởng động viên các cháu học sinh giỏi và thi đỗ đại học, cao đẳng.
Cụ Lê Anh Thự cho biết, có năm có tới 88% các cháu trong dòng họ đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến được khen thưởng, đây là niềm tự hào của dòng họ và cũng đặt ra nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng gia tộc càng phải làm tốt hơn công tác khuyến học, khuyến tài, kịp thời động viên, khuyến khích các cháu vươn lên trong học tập.
Một điều đáng ghi nhận của dòng họ Lê, thôn Bích Sơn là trong dòng họ không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, hơn 90% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, dòng họ chỉ còn 1 hộ cận nghèo. Các gia đình trong dòng họ đều tích cực đóng góp xây dựng quê hương, tiêu biểu có các doanh nhân: Lê Đức Toàn, Lê Quốc Thịnh, Lê Văn Toản… đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng đường giao thông, cổng làng, nhà văn hóa thôn, CLB bóng bàn …
Tìm hiểu về Di tích nhà thờ Lê Phúc Đạt, nghe câu chuyện kể của các thành viên Hội đồng gia tộc họ Lê, chúng tôi càng hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của một dòng họ giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Nhà thờ Lê Phúc Đạt trải qua nhiều thế hệ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dòng họ, nơi giáo dục con cháu luôn ghi nhớ cội nguồn, giữ gìn nền nếp, gia phong. Từ nơi này, dù có đi đâu, về đâu, những người con trong dòng họ vẫn nhớ về quê hương, nhớ về lời ru ầu ơ của bà, của mẹ.
Tháng ba này, những người con của dòng họ Lê, thôn Bích Sơn tụ hội đón Bằng công nhận Di tích nhà thờ Lê Phúc Đạt là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Cùng với các di tích lịch sử, văn hóa khác của xã Gia Vân, Nhà thờ Lê Phúc Đạt được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Minh Châu