3 ngày nay, cứ 8h15 phút sáng hàng ngày, em Phan ánh Kim Huyền, lớp 9B, Trường THCS Khánh Hòa (Yên Khánh) lại mở kênh truyền hình Ninh Bình để theo dõi các bài giảng của thầy, cô giáo theo lịch học đã thông báo. Theo Kim Huyền, lượng kiến thức thi vào lớp 10 THPT rất nhiều, trong khi nếu để tự ôn tập thì em và các bạn không biết học như thế nào cho hiệu quả. Được học qua kênh truyền hình, chúng em cảm thấy khá hứng thú, bởi ngoài xây dựng lại nền nếp học tập hằng ngày, chúng em còn được tiếp cận các bài giảng của giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong tỉnh. Tuy nhiên, với hình thức học tập này, chúng em không được tương tác trực tiếp với thầy cô để có thể trao đổi những phần chưa hiểu. Chúng em mong muốn, vừa được học theo hình thức này, vừa được đến trường học tập, để trang bị đầy đủ kiến thức, sẵn sàng bước vào kỳ thi vào 10 THPT.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong tổ chức dạy học từ xa cho học sinh lớp 9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch bài giảng dạy học, ôn tập 9 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo lịch học 6 ngày trong tuần, vào tất cả các buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần; mỗi buổi sáng tổ chức dạy học 4 tiết, giữa các tiết có giải lao 10 phút. Thời lượng mỗi tiết kéo dài từ 30-35 phút. Thuận lợi qua việc dạy học từ xa là: ngoài việc tham gia học đúng lịch phát sóng hằng ngày, các bài học được đưa lên Website của Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình là http://nbtv.vn và kênh Youtobe của Sở Giáo dục và Đào tạo, giúp người học chủ động về thời gian để tự học và nghiên cứu thêm.
Cô giáo Vũ Thị Bích Liên, giáo viên môn Địa lý, Trường THCS Khánh Hòa (Yên Khánh), giáo viên giảng dạy trên sóng truyền hình cho biết: Được sự phân công của Sở Giáo dục và Đào tạo, của nhóm chuyên môn, tôi đã cố gắng xây dựng bài giảng phù hợp với yêu cầu đề ra, đảm bảo về kiến thức, thời gian, thời lượng trên truyền hình cũng như về mặt tư tưởng, tâm lý khi đứng trên sóng truyền hình. Về chuyên môn, tôi thực hiện dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng, soạn thảo những kiến thức quan trọng, không cắt xén, không nâng cao, để hướng dẫn học sinh học trên truyền hình. Đối với học sinh, qua tương tác với các em sau tiết học phát sóng, cho thấy phần lớn các em hiểu bài, theo được tiến trình dạy của thầy cô trên sóng, các em ghi chép bài đầy đủ, hào hứng tham gia học tập.
Tìm hiểu được biết, việc dạy học từ xa trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận trong giáo viên, học sinh và phụ huynh, tỷ lệ học sinh theo học đạt trên 98%. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường quản lý, nắm bắt sỹ số học sinh theo học để có biện pháp thiết thực trong kiểm tra kiến thức, đánh giá ý thức tự học ở nhà của các em. Thầy giáo Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh cho biết: Phòng đã bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng Kế hoạch dạy học, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể tới các đơn vị giáo dục trong huyện để tổ chức thực hiện. Các trường THCS phổ biến nội dung kế hoạch tới phụ huynh học sinh để biết, theo dõi học tập. Phòng cũng giới thiệu 10 thầy, cô giáo của 8 bộ môn để Sở chọn tham gia dạy học trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Phòng cũng xây dựng bộ hồ sơ theo dõi học sinh học trực tuyến (gồm sổ đầu bài, sổ kiểm diện học sinh, sổ giám hiệu) để kiểm soát, quản lý học sinh học trực tuyến. Chỉ đạo các thầy, cô giáo ra bài kiểm tra sau các tiết học trực tuyến để kiểm tra chất lượng học sinh. Toàn huyện có 1.742 học sinh lớp 9, những ngày đầu, có 99% học sinh tham gia học tập (một số ít học sinh vắng do ốm).
Nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Toàn tỉnh có 12.572 học sinh lớp 9, với tổng số 375 lớp của 142 trường THCS. Để việc dạy và học hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, nội dung các tiết dạy được xây dựng giáo án/kịch bản bám theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh trong chương trình môn học ở lớp 9; các bài giảng tập trung cung cấp kiến thức mới, ôn tập lý thuyết, luyện tập và hướng dẫn tự học. Đồng thời, Sở chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường có biện pháp kiểm tra việc học ở nhà của học sinh; yêu cầu khi phát sóng tiết học bộ môn nào thì giáo viên giảng dạy lớp 9 bộ môn đó phải dự giờ ngay tại trường, sau đó có biện pháp hỗ trợ cho học sinh (như giải đáp cho học sinh khi có thắc mắc, ra bài kiểm tra cho học sinh phù hợp với năng lực thực tế học sinh tại trường, lớp đó); tổ chức điểm danh trực tuyến để nắm bắt số lượng học sinh tham gia học...
Cũng theo Nhà giáo Đỗ Văn Thông, để xây dựng những tiết dạy hiệu quả, Sở đã thành lập Ban biên soạn, thẩm định và giảng dạy. Đây là những cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp THCS của tỉnh, có năng lực, chuyên môn tốt và kinh nghiệm dạy học nhiều năm. Mỗi bộ môn chọn 5 người từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh, trưởng nhóm là chuyên viên Sở phụ trách. Mỗi buổi ghi hình, lãnh đạo phụ trách chuyên môn của Sở và Phòng Trung học trực tiếp tham gia làm việc tại trường quay để kiểm soát và góp ý về chuyên môn, tiến độ trong triển khai cho phù hợp. Đồng thời, ngay buổi phát sóng đầu tiên, Phòng Trung học đã cử người theo dõi, nắm bắt ở các nhà trường và góp ý của thầy cô, học sinh các trường để tiếp tục điều chỉnh ở các bài giảng tiếp theo đảm bảo phù hợp hơn.
Hồng Vân