Theo lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nho Quan, chúng tôi tìm đến địa chỉ của một số hội viên nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.
Ở thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc rất nhiều người biết đến anh Lê Văn Thụ và câu chuyện làm giàu của vợ chồng anh. Anh Thụ cho biết, anh xây dựng gia đình năm 2000 và được bố mẹ cho ra ở riêng với 6 sào ruộng. Những năm đầu quanh quẩn với 6 sào ruộng, cuộc sống của vợ chồng anh chỉ đủ ăn. Với sự tư vấn và giúp đỡ của các cán bộ Hội, anh đã được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cộng với số vốn đã tiết kiệm được để đầu tư chăn nuôi. Ban đầu vốn ít, anh chỉ xây dựng một khu chuồng nuôi từ 10-15 con lợn và mua máy xay xát phục vụ nhân dân trong thôn.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình kinh tế kết hợp giữa xay xát và nuôi lợn đã giúp anh Thụ có thêm quyết tâm để tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Trung bình mỗi lứa gia đình anh nuôi từ 30-40 con lợn thịt. Nhờ được tham quan một số mô hình phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong và ngoài huyện, anh Thụ nhận thấy nuôi lợn giống địa phương năng suất và giá thành không cao bằng giống lợn ngoại, vì vậy, từ năm 2004 đến nay anh chuyển hướng sang nuôi lợn siêu nạc với 2 khu chuồng nuôi 2 lứa khác nhau và 10 con lợn nái siêu nạc cung ứng con giống cho gia đình.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn lợn, anh đã mở cửa hàng dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của gia đình mà còn phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài thôn. 3 năm gần đây, gia đình anh Thụ thường xuyên xuất chuồng 3-4 lứa lợn thịt siêu nạc, mỗi lứa từ 30 - 40 con. Từ mô hình kinh tế tổng hợp trên, mỗi năm gia đình anh Thụ đã thu được từ 40 -50 triệu đồng tiền lãi. Đến nay gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo của anh Thụ đã được nhiều bà con trong thôn học tập làm theo.
Mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi. Ảnh: Đức Lam
Khác với mô hình kinh tế của anh Thụ, anh Nguyễn Đức Hạnh, hội viên nông dân thôn Tràng An, xã Lạng Phong đi lên bằng phát triển kinh tế thủy sản và chăn nuôi đại gia súc. Từ năm 2003 đến nay, anh đầu tư vốn nuôi bò sinh sản. Từ một vài con ban đầu, đến nay đàn bò đã phát triển lên 11 con, trong đó có 6 con bò sinh sản và 5 con bò thịt. Gia đình anh còn đấu thầu 17 mẫu thùng đào, thùng đấu không cấy được lúa để trồng sen, trung bình mỗi năm thu được 1,7 tấn hạt với trị giá trên 35 triệu đồng. Mỗi năm gia đình anh cũng thu được khoảng 7-8 tấn lúa từ 3,5 mẫu ruộng của gia đình và diện tích đấu thầu thêm. Anh còn chủ động áp dụng mô hình 1 cá + 1 lúa/vụ mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng. Vào thời điểm thu hoạch, gia đình anh giải quyết việc làm cho 5-6 lao động là hội viên nông dân trên địa bàn với mức thu nhập từ 700 - 900 nghìn đồng/người/tháng. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh Hạnh còn thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm 2007, gia đình anh được công nhận là gia đình văn hóa, anh được bình xét là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Phong trào phát triển rộng khắp
Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện sản xuất, song những năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút được nhiều hội viên trên địa bàn tham gia và tạo thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp.
Với đặc thù là một huyện miền núi có các xã vùng cao và bán sơn địa, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao đó là chăn nuôi bò, dê. Phát huy lợi thế của một huyện có nhiều sông ngòi, hồ chứa nước, trong năm qua nhiều hội viên nông dân trong huyện đã mạnh dạn tập trung khai thác triệt để lợi thế để nuôi cá thịt ở hồ Yên Quang, Thường Sung, Đá Lải, Đồng Chương và các nơi đất trũng, lầy, thụt với tổng diện tích 2.345 ha, mỗi năm thu được 42.221 tấn cá… Đối với các xã thuộc vùng chiêm trũng có tiềm năng phát triển đàn gia cầm, thủy cầm đã đầu tư nuôi vịt, ngan, gà để lấy trứng cho ấp và làm trứng vịt lộn. Điển hình như ông Quách Văn Thiệp, thôn Hiền Quan, xã Đức Long được Bộ Khoa học - Công nghệ đầu tư 2 lò ấp trứng vịt lộn và chăn nuôi gia cầm, mỗi năm thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.
Nhiều hộ đã thử nghiệm thành công và mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật với kỹ thuật thành thục từ đóng tổ, làm cầu và di chuyển đàn ong theo mùa hoa để không bị mất tổ, mất đàn… Nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Lực, xã Kỳ Phú; ông Bùi Văn Thú, thôn 3, xã Gia Lâm nuôi ong lấy mật được từ 700 - 800 kg/năm..
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện còn mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang kinh tế dịch vụ. Các hội viên đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, khắc phục khó khăn, chiếm lĩnh thị trường để đáp ứng yêu cầu cung cấp vật tư cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt của nhân dân và tìm đầu ra để tiêu thụ hàng hóa cho nhân dân ở từng vùng trong huyện. Toàn huyện có khoảng 2.600 hộ tham gia làm dịch vụ sản xuất, kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động, điển hình như: bà Phạm Thị Phương, xóm 3, xã Lạc Vân; bà Lê Thị Láng, thị trấn Nho Quan làm dịch vụ kinh doanh tổng hợp phân bón, thức ăn gia súc và các mặt hàng tiêu dùng khác, mỗi năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng; ông Bùi Văn Thái, xã Gia Sơn kinh doanh vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng bằng xe cơ giới cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm…
Từ trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện 7.147 nông dân tiêu biểu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương. Đây chính là những nhân tố điển hình góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giảm nghèo ở huyện miền núi Nho Quan.
Kim Duyên