Tôi nghe kể nhiều về cô giáo Lê Thị Yên, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Nhạc (Yên Khánh), là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục Ninh Bình được giới thiệu trên cuốn sách "Những gương mặt giáo dục Việt Nam". Cho đến khi gặp tôi hiểu mọi điều kể về cô chưa đủ so với những gì mà người giáo viên ấy đã cống hiến và hy sinh gần như cả cuộc đời cho sự nghiệp Giáo dục.
Năm 1977, cô giáo trẻ Lê Thị Yên về công tác tại Trường THCS Khánh Hồng (Kim Sơn - nay là huyện Yên Khánh). Bước vào nghề với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ và hoài bão, cô được nhà trường tín nhiệm giao phụ trách nhiều công tác như: Bí thư đoàn, thư ký công đoàn…, nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Cô Yên kể, ngày ấy giáo viên khó khăn lắm, nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì càng nhiệt tình và tận tụy bấy nhiêu. Cứ 1 tuần 2 buổi cô lại xuống những khu dân cư vận động cho trẻ em đến trường và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để em không phải nghỉ học. Bên cạnh công tác xã hội, cô không ngừng trau dồi những kiến thức chuyên môn, thường xuyên tham gia các kỳ Hội giảng và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh.
Tháng 9-1989, cô Yên được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng. Mặc dù chồng công tác xa nhà, các con đều nhỏ dại, nhưng do biết bố trí công việc hợp lý nên cô vẫn luôn được đồng nghiệp yêu quý "tặng" danh hiệu "Giỏi việc nước đảm việc nhà". Tháng 11-1996, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Ninh B, một đơn vị trung bình của huyện. Ngày đầu tiên chị đến nhận công tác đúng khi vừa qua cơn bão. Cơ sở vật chất của nhà trường vốn đã nghèo nàn, lại bị cơn bão tàn phá đến tan hoang. Nhưng với tình thương dành cho con trẻ, tình yêu nghề nghiệp và nhận được sự đồng lòng của đồng nghiệp, bằng nhiều biện pháp cô giáo Yên đã khơi dậy sức mạnh của đội ngũ giáo viên trong trường, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Đồng thời cô tích cực tham mưu với chính quyền địa phương để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường. Chỉ sau một năm cô về làm Hiệu trưởng, Trường Tiểu học Khánh Ninh B đã được công nhận là đơn vị tiên tiến và năm học 1997-1998, nhà trường đã đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc.
Chuyển công tác về trường THCS Khánh Nhạc, cô Yên đã cùng với Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn trường xây dựng Trường thành khối đoàn kết, nhất trí cao, phát huy tốt năng lực sẵn có của đội ngũ giáo viên để tạo sức mạnh vững chắc cho trường. Cô luôn quan tâm đến hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là các phong trào thi đua "hai tốt", phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên phát huy tốt năng lực của bản thân. Từ những việc làm đó, nhà trường đạt nhiều thành tích rất đáng tự hào, là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành Giáo dục Yên Khánh nói riêng và của tỉnh nói chung.
Từ những cố gắng của cô Hiệu trưởng và tập thể giáo viên, tháng 6-2006, Trường THCS Khánh Nhạc được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010, Nhà trường đã liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, 13 năm liền là đơn vị dẫn đầu bậc THCS của huyện Yên Khánh, được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT và Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Năm 2002, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và tháng 12-2007 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
31 năm gắn bó với nghề, cô Yên đã chiêm nghiệm ra một điều: "Nghề nào cũng có những cái vất vả, nhưng nghề dạy học thì vất vả hơn rất nhiều, muốn vượt qua khó khăn ấy, người giáo viên không chỉ cần phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà quan trọng hơn cả phải có tình thương và tâm huyết với nghề".
Cô Đào Thị Chiên, giáo viên giỏi toàn quốc
Năm học 2007-2008, cô giáo Đào Thị Chiên, giáo viên Trường Tiểu học Gia Phú (Gia Viễn) là một trong 3 giáo viên tiểu học của tỉnh được vinh dự đi giao lưu "Giáo viên giỏi toàn quốc". Với tuổi đời còn khá trẻ, thành tích cô Chiên đạt được đáng phải nể phục. 5 năm liên tục từ năm học 2003-2004 đến 2007-2008 cô được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2005 - 2006, được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen. Năm học 2007 - 2008, được Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp quốc gia.
Những ai công tác trong nghề mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của giáo viên Tiểu học, một ngày 24 giờ thì người giáo viên tiểu học phải dành 10 giờ cho công việc. Điều này thì cô Đào Thị Chiên không phải khi bước vào nghề mới biết mà cô đã thấu hiểu từ khi còn nhỏ vì mẹ vốn là giáo viên tiểu học. Biết vất vả là thế nhưng cô vẫn muốn được theo bước chân của mẹ. Bước vào nghề, xác định cho mình một tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, cộng với sự dìu dắt của mẹ và cũng là người đồng nghiệp theo dõi bước đi từ những ngày đầu vào nghề, có lẽ thế mà thành công đến với cô Chiên sớm hơn. |
Cô giáo Đào Thị Chiên (đứng ngoài, bên phải) nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo. |
Cái khó đối với giáo viên tiểu học chính là họ phải dạy tất cả các môn, đôi khi còn cả các môn chuyên như âm nhạc, mỹ thuật…trong khi đó việc đào tạo, đi giao lưu tìm hiểu kiến thức xã hội lại rất hạn chế vì thế phụ thuộc phần lớn vào khả năng tự học, tự nghiên cứu của mỗi giáo viên. Chính vì vậy, chưa bao giờ đồng nghiệp nhìn thấy cô Đào Thị Chiên rảnh rỗi những lúc ngoài giờ lên lớp, bởi lúc nào cô cũng say mê nghiên cứu tài liệu trong thư viện, hoặc tự mua sách báo để học trau dồi kiến thức xã hội với mong muốn đem lại cho học sinh những kiến thức đa dạng nhưng cô đọng nhất về môn học.
Cô Chiên tâm sự với chúng tôi: "Thành công lớn nhất của người giáo viên là sự kính trọng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Để đạt được điều này người giáo viên phải không ngừng phấn đấu trong cả cuộc đời".
Linh Nhi