Anh Trần Ngọc Hải, giáo viên võ thuật và cũng là thành viên đội múa lân của Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết, những tràng pháo tay, những tiếng cười giòn giã của các em nhỏ chính là phần thưởng lớn nhất cho đội sau mỗi bài biểu diễn. Anh Hải cho biết, ở Ninh Bình chưa có nhiều câu lạc bộ võ thuật Lân, sư, rồng. Trước nhu cầu thưởng thức của người dân, năm 2015, đội múa lân của Trung tâm Thanh thiếu niên được thành lập với 15 thành viên và giao cho Câu lạc bộ Thiếu lâm nam phái phụ trách. Mỗi lần biểu diễn thường cần tới 10 người, thậm chí nếu biểu diễn ở không gian lớn thì có thể 20 người cùng tham gia biểu diễn. Trong đó, có một đội phụ trách âm thanh (đánh trống, thanh la, chập chõa, tán xạ), một đội biểu diễn gồm người múa lân, rồng và ông Địa.
Bên cạnh sự đầu tư về dụng cụ, đạo cụ phục vụ múa lân thì một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của đội múa lân đó chính là lựa chọn được những diễn viên tốt. Đó phải là người biết võ thuật, sức khỏe dẻo dai, tinh thần bền bỉ và đặc biệt là phải có niềm đam mê mãnh liệt về nghệ thuật múa lân. Múa lân phải có nền tảng võ thuật tốt, song nếu không đam mê và am hiểu nghệ thuật múa lân thì sẽ không thể tạo ra các tiết mục sống động, cuốn hút người xem. Bởi vậy, để có thể biểu diễn thành thạo một bài biểu diễn với nhiều động tác khó, đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật cao của người tập luyện. Ngoài ra, sự sáng tạo và khả năng cảm thụ âm nhạc cũng hết sức cần thiết để tạo nên những điệu múa có hồn. Để mỗi khi ra sân khấu, người ta nghĩ đó là con rồng hiện thân, hòa quyện giữa những bước đi vừa uyển chuyển, nhịp nhàng vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống, phách nhưng động tác phải dứt khoát, mạnh mẽ… Để biểu diễn trên sân khấu chỉ 10-15 phút nhưng người biểu diễn phải tập luyện hàng năm trời. Một buổi tập luôn đẫm mồ hôi, vậy nhưng anh em trong đội ai cũng háo hức.
Những thành viên trong đội múa lân, không phải ai cũng "kiếm sống" bằng võ thuật, mà đa số là những người làm ở các đơn vị, ngành nghề khác nhau song tựu chung là cùng có niềm đam mê võ thuật. Thường mỗi bài biểu diễn, mọi người phải tự tập riêng động tác ở nhà cho thật nhuần nhuyễn sau đó tập trung khớp bài để biểu diễn. Có những chương trình bất ngờ thì đội phải triệu tập để tập luyện gấp. Anh Đinh Mạnh Cường, sinh năm 1994 là một trong các thành viên của đội múa lân. Vóc người Cường nho nhỏ, nhưng lại rất nhanh nhẹn. Hiện, Cường đã có hơn chục năm học võ thuật, và nay anh lại dùng võ thuật ấy để cống hiến cho nghệ thuật múa lân. Anh Cường bảo, hơn một năm tham gia đội múa lân, anh đã đi biểu diễn nhiều nơi, cho nhiều đối tượng khán giả. Đối tượng khán giả cũng đủ mọi thành phần, lứa tuổi song trẻ em bao giờ cũng là đối tượng khán giả mang lại cho đội sự hứng khởi nhất.
Những ngày vào hè hoặc dịp Tết Trung thu là khoảng thời gian đội đi biểu diễn nhiều nhất và hầu hết là biểu diễn miễn phí phục vụ các em nhỏ, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Những chuyến đi biểu diễn cho trẻ em vùng cao, vùng khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn song nhìn ánh mắt háo hức, những tràng pháo tay giòn giã của các em nhỏ mà các thành viên trong đội lại quên hết mệt mỏi, hóa thân vào những điệu múa điêu luyện, sống động. "Nhìn các em nhỏ ấy chúng tôi dường như thấy lại hình ảnh của mình khi còn nhỏ. Cũng háo hức chờ đợi, cũng tin tưởng tuyệt đối vào sự lẫm liệt, oai phong của chú Rồng… những cảm xúc ấy như chất xúc tác, khiến chúng tôi múa đẹp hơn, sinh động hơn"- Đinh Mạnh Cường nói. Những điệu múa của đội lân, rồng này thường là do đội tự biên đạo để tạo nên nét độc đáo, mới mẻ cho từng bài biểu diễn và cũng phải phù hợp với từng sự kiện. Vào dịp Tết Trung thu, đội hay biểu diễn các bài như lân leo cột, lân sư kết hợp nhảy bàn, hoặc chọn tiết mục múa đôi trong các sự kiện biểu trưng cho sự giao lưu… trong đó tùy thuộc vào thời gian, địa hình mà có sự thay đổi động tác trong bài biểu diễn sao cho tiết mục thêm đặc sắc, tạo được không khí và hứng thú cho người xem.
Yếu tố âm thanh trong múa rồng cũng cực kỳ quan trọng, quyết định sự hấp dẫn của một bài múa. Ngoài vai trò tạo nên không khí vui nhộn, âm nhạc được hòa quyện vào từng bước chuyển mình của con lân, rồng. Âm nhạc sẽ tạo nên sự ăn ý, thống nhất cao của các bài biểu diễn, khiến bài biểu diễn thêm sống động, hấp dẫn, thu hút người xem. Bên cạnh đó, trong màn biểu diễn không thể thiếu hình ảnh ông Địa, tay cầm quạt giấy to đi theo giỡn lân, giỡn khách để tạo yếu tố hài hước, dí dỏm cho bài múa. Hình ảnh hóm hỉnh đó của ông Địa rất được trẻ em yêu thích. Ngày nay, trẻ em được tiếp cận với nhiều các trò chơi giải trí mới. Tuy nhiên, nghệ thuật múa lân, rồng vẫn có được chỗ đứng đặc biệt trong lòng trẻ nhỏ. Cũng thông qua nghệ thuật múa Rồng, sẽ góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của dân tộc.
Nguyễn Hùng