Ấn tượng đầu tiên khi gặp em Hà Thị Hồng Nhung (ảnh), lớp 11 chuyên Pháp, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy là sự nhí nhảnh, hồn nhiên của một cô bé mới lớn. Không ai nghĩ, cô học trò lớp 11 nhỏ bé, xinh xắn và lanh lợi ấy lại đạt giải nhì môn tiếng Pháp khi đi thi cùng với các anh chị của mình, bởi các thầy cô chỉ nghĩ, cho em đi thi để thêm một lần cọ xát với những giải đấu lớn, làm tiền đề và kinh nghiệm cho những năm sau, nhưng em đã chiến thắng bản thân mình và mang về phần thưởng đáng giá cho bản thân và thầy cô, nhà trường, bố mẹ. Hồng Nhung chia sẻ, bản thân em cũng rất bất ngờ với thành tích đạt được, bởi em đi thi với tâm lý của một người không bị áp lực, do đó em đã rất thoải mái và "chiến đấu" hết mình và kết quả của sự "vô tư" ấy là giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp và trong 6 học sinh của trường tham gia dự thi đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Pháp, chỉ có mình em đạt giải cao nhất.
Điều đáng ngạc nhiên là Hà Thị Hồng Nhung học tiếng Pháp chưa lâu. Những năm học THCS, em theo học môn tiếng Anh, khi thi vào Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, em được chọn vào lớp chuyên Pháp. Cùng là môn ngoại ngữ nhưng tiếng Pháp có những đặc thù riêng, nên lúc đầu cô bé Hồng Nhung chưa yêu thích lắm. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, học được một thời gian em lại say mê lúc nào không biết. Rồi từ đam mê, Hồng Nhung đặt ra cho mình quyết tâm và hành động.
Chia sẻ bí quyết học tập, Nhung cho biết: Lên lớp em thường chăm chú nghe giảng bài để có thể hiểu bài ngay tại lớp. Về nhà chăm chỉ ôn lại, rồi tham khảo thêm tài liệu trên mạng, qua các trang tiếng Pháp của nước ngoài. Nói chung có điều kiện là em học mọi lúc, mọi nơi để nhớ lâu, đặc biệt là những từ mới. Ngoài ra, em cũng chú trọng việc rèn luyện các kỹ năng như nghe và nói. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, khi thi cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, em lại càng có thêm kinh nghiệm và nắm được mình còn hạn chế ở kỹ năng nào để khắc phục, rèn luyện trong thời gian tới.
Nhỏ bé về hình dáng và độ tuổi như vậy nhưng cô học trò Hà Thị Hồng Nhung lại làm bao anh, chị, em và bạn bè trong trường nể phục và yêu quý: Luôn là học sinh giỏi toàn diện, hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động ngoại khóa của lớp, của trường… Trong kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Pháp các trường chuyên khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ năm 2015, Hồng Nhung đạt giải nhất; là đội trưởng đội thể dục Aerobic của trường và đội của em vừa đạt giải nhất trong Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Ninh Bình vừa được tổ chức.
Em Lê Minh Đức
Đối với cậu học trò Lê Minh Đức (ảnh), lớp 12 chuyên Tin thì để học tốt môn Tin học thực sự không hề dễ, có niềm đam mê thôi chưa đủ, mà còn phải chịu khó, ham học hỏi và sáng tạo. Để đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Tin học, bản thân em đã phải nỗ lực rất nhiều và có thêm sự quan tâm, dìu dắt, dạy dỗ nhiệt tình của chính thầy hiệu trưởng Đinh Văn Khâm.
Nói về việc học môn Tin học, Minh Đức cho biết: Ngay từ khi còn học cấp II, tuy là học sinh giỏi Toán nhưng em đã rất đam mê với môn Tin học. Lúc ấy, môn Tin học chưa phải là môn học chính, không được chú trọng như các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý… nên số tiết học ở lớp không nhiều, chỉ 2-3 buổi/tuần. Tuy vậy, trong thời gian được học tại lớp, em đã rất có ý thức học tập và quan tâm đến môn học này. Khi về nhà, sau khi học xong các môn học khác, em lại dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi những kiến thức mới về Tin học cũng như về công nghệ thông tin trên mạng Internet. Môn Tin học đã hỗ trợ em nhiều kiến thức để học tốt các môn khác; đồng thời còn rèn cho em tính nhạy bén để kịp thời nắm bắt được những thông tin, kiến thức mới. Vì vậy, khi không đủ điểm vào lớp chuyên Toán, em quyết định theo học chuyên Tin mà không buồn hay suy nghĩ gì nhiều.
Theo học môn Tin, niềm yêu thích và say mê của Minh Đức được dịp thể hiện. Em chia sẻ, ngoài những kiến thức được các thầy, cô giáo truyền đạt lại thì buộc bản thân học sinh phải tìm tòi và sáng tạo. Càng ngày môn Tin học càng hấp dẫn em bởi có nhiều ứng dụng thực tế, có thể giải được nhiều bài tập khó. Theo Minh Đức, không nên suy nghĩ máy tính chỉ đơn thuần là để chơi điện tử, chát chít, mà ẩn chứa trong đó nhiều điều thú vị cần được sử dụng, phát huy. Và cũng không nên lạm dụng máy tính quá nhiều. Đơn cử như khi làm bài tập, không nên chỉ thao tác riêng trên máy tính, mà cần kết hợp song song giữa việc thực hành trên máy và nháp ra giấy. Cách học này giúp người học suy nghĩ kỹ hơn trước khi bắt đầu làm bài, tránh được tối đa lỗi và sai sót không đáng có.
Chia sẻ về quá trình ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi nhiều cam go này, Minh Đức cho hay: Chúng em được tập huấn và cọ xát khá nhiều. Đặc biệt, với sự định hướng của các thầy giáo, hầu hết mọi vấn đề liên quan đến ôn luyện môn Tin học đều được chúng em hiểu và thao tác thành công ngay ở trên lớp. Thời gian ở nhà em cũng chỉ học vừa phải, còn lại dành cho thư giãn, giải trí, để tránh rơi vào tình trạng lo lắng, hồi hộp, qua đó mình sẽ không bị căng thẳng hay áp lực quá nhiều…
Liên tục hàng chục năm đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, trong đó 3 năm THPT đạt điểm trung bình môn Tin học từ 9,5-9,8 điểm, nhưng Lê Minh Đức khiêm tốn cho biết, thành tích giải nhì học sinh giỏi quốc gia vừa qua mới chỉ là bước đầu, em vẫn phải tiếp tục phấn đấu tìm tòi, học hỏi để đạt kết quả cao hơn. Đồng thời mơ ước được theo học chuyên sâu khoa công nghệ thông tin ở một trường đại học danh tiếng để phát huy niềm say mê, yêu thích của mình, từ đó có thể đạt được những thành tích cao hơn nữa.
Em Vũ Thị Bích Ngọc
Còn với cô học trò cởi mở, hay cười Vũ Thị Bích Ngọc (ảnh), lớp 12 chuyên Văn thì việc đạt giải nhì quốc gia môn Ngữ văn không chỉ là sự ghi nhận những cố gắng của em trong những năm học vừa qua mà còn mở ra cho em một tương lai tươi sáng ở phía trước, hoàn thành ước mơ trở thành nữ nhà báo hoặc một luật sư.
Chăm học và đạt thành tích cao ngay từ thời còn học cấp I, cấp II, đến nay Bích Ngọc vẫn luôn là học sinh giỏi toàn diện của trường. Đặc biệt, em yêu thích môn Ngữ văn từ thời tiểu học, lên THCS luôn là học sinh giỏi môn Văn của lớp, của trường. Đến khi vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, được cô giáo dạy Văn động viên, dạy dỗ, em như được tiếp thêm sức mạnh để say mê đầu tư và học tập môn Văn tốt hơn.
Dõi theo Bích Ngọc từ những năm học lớp 10, lớp 11, cô Tạ Anh Ngọc, giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên dạy môn Văn cho biết: Bích Ngọc có niềm đam mê môn Văn và khả năng tự học tốt. Điều khiến tôi tự hào ở cô học trò của mình không chỉ là thành tích học tập đạt được, mà em còn rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu và tham khảo thêm qua sách vở, tài liệu ngoài những giờ học trên lớp.
Khi được hỏi cần những điều kiện gì để học giỏi môn Văn, Bích Ngọc cho biết, thực sự để học giỏi môn Văn không khó, chỉ cần một chút năng khiếu, còn quan trọng hơn cả là phải thực sự yêu thích môn học này, rồi đầu tư cho nó thời gian phù hợp để đọc, để viết và tư duy, nghiền ngẫm. Đối với em, vì yêu thích môn học này nên em thấy nó rất thú vị, không chỉ tạo cho mình một cuộc sống nhẹ nhàng, lãng mạn, tự tin hơn trong giao tiếp mà còn giúp mình sống vui vẻ, lạc quan, dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ về đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay, Bích Ngọc cho biết: Để làm được một bài văn hay, ngoài khả năng cảm thụ thì cảm hứng sáng tạo là điều cần thiết. Và cảm hứng đó phải do mình tạo ra. Em thấy đề thi môn Văn năm nay rất hay, bao gồm 2 câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với dạng đề này, em có thể thỏa sức trình bày những suy nghĩ, cái nhìn sáng tạo, mới mẻ và vốn hiểu biết sẵn có của mình. Trong đó em rất thích câu hỏi: "Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu".
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh