Chúng tôi biết tới cụ qua sự giới thiệu của cán bộ Trung tâm Dân số huyện. Những câu chuyện về sự nhiệt tình, tâm huyết của người cộng tác viên dân số đặc biệt này đã thôi thúc chúng tôi quyết định về thăm nhà cụ vào một ngày đầu năm mới.
Đến nhà cụ chừng 30 phút mới thấy cụ Phin hối hả đạp xe về nhà. Vội dựng chiếc xe đạp - "gã chiến binh" tâm phúc của cụ hàng chục năm nay, cụ Phin đon đả pha nước mời khách. Cụ bảo, tranh thủ trời vừa dứt trận mưa, đến nhà vài đối tượng để vận động. Chẳng hiểu hôm nay ra đường bước chân trái hay chân phải mà mọi sự may mắn lắm. Các đối tượng đều lắng nghe và tỏ ra rất hợp tác với cộng tác viên dân số. Câu chuyện về chuyến đi vận động vừa rồi khiến cụ bà dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm trở nên hoạt bát. Có lẽ, niềm vui sau mỗi chuyến đi ấy chính là động lực để giúp cụ vững vàng với công tác dân số hơn hai mươi năm nay.
Trước đây, cụ Phin từng làm trạm trưởng trạm y tế ở địa phương. Bởi thế cụ Phin có nhiều kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ các kiến thức, kỹ năng cần thiết của cuộc sống gia đình. Sự nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi tựa người mẹ, người bà trong gia đình của cụ khiến nhiều người yêu mến, tin tưởng. Gia đình nào có việc to, việc nhỏ, hay gặp nỗi băn khoăn gì trong công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản thì đều tìm tới cụ để được tư vấn. Những gia đình ở quê con cái đông đúc, nhếch nhác, mãi đói nghèo cũng vì sinh nhiều con. Vì thế, khi về hưu, tôi muốn dành hết thời gian để làm công tác dân số với mong muốn góp phần nhỏ của mình vận động nhân dân sinh đẻ có kế hoạch để các gia đình đều có điều kiện chăm sóc con cái, cho bọn trẻ ăn học đến nơi, đến chốn."- cụ Phin trải lòng về cơ duyên đưa cụ đến với công tác dân số.
Cụ Phin kể, những ngày đầu làm công tác dân số cũng vất vả lắm. Bởi khi ấy, nhận thức của người dân về công tác dân số chưa cao nên cụ gặp một số trường hợp mà cụ… "nhớ đời". Với giọng hóm hỉnh, cụ Phin kể cho chúng tôi nghe về trường hợp triệt sản nữ. Sau khi người vợ triệt sản về nhà, ngay ngày hôm sau người chồng lên tận nhà cụ để… "bắt đền". Theo lý giải của anh chồng thì trước khi triệt sản vợ anh là người rất khỏe mạnh. Thế mà sau khi triệt sản xong, sức khỏe của vợ anh ta yếu đi, không dám làm việc nặng… Hóa ra, trong lúc cụ đến tuyên truyền, vận động thì người chồng không có nhà nên không được nghe tuyên truyền về chế độ nghỉ ngơi sau triệt sản. Cụ lại nhẹ nhàng giải thích cho anh chồng hiểu để động viên và giúp đỡ vợ trong những ngày sau triệt sản. "Rất nhiều trường hợp trong lúc đi tư vấn tại gia bị người nhà không tiếp và còn nói "việc sinh đẻ là chuyện riêng của gia đình tôi không liên quan gì tới bà cả" là chuyện diễn ra… như cơm bữa. Nhiều khi cũng thấy tủi thân vì mình đáng tuổi mẹ, tuổi bà mà vẫn bị nói năng không lễ phép"- cụ Phin nói. Tuy vậy, với phương châm "mưa dầm thấm sâu", cụ Phin vẫn kiên trì, khéo léo tiếp cận đối tượng để tuyên truyền bằng nhiều biện pháp khác nhau. Cụ tranh thủ truyền thông tư vấn lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Hội LHPN, Hội Nông dân, các cuộc họp thôn xóm, cụ cũng viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh thị trấn. Đặc biệt, cụ Phin không quản nắng mưa, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để nắm chắc hoàn cảnh, tâm lý của từng đối tượng để có cách vận động phù hợp. Cụ Phin khẳng định, muốn làm được công tác dân số, quan trọng là phải coi họ như con cháu mình. Mọi nỗ lực của người làm dân số đều không ngoài mục đích mang lại cho con cháu một cuộc sống đỡ vất vả hơn. Với cách làm đặc biệt đó, đến nay đa số người dân trong thị trấn đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc SKSS cho mọi người, mọi nhà.
Chúng tôi hỏi vui: Khi nào cụ về hưu? Cụ Phin tươi cười đôn hậu: Nếu địa phương còn cho phép, nhân dân còn tín nhiệm tôi còn làm tới khi nào không đi lại được nữa mới thôi. Và niềm tin yêu của nhân dân chính là động lực để cụ bà thêm vững tinh thần, thêm bền ý chí để ngày đêm miệt mài với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Bài, ảnh: Đào Hằng