Vẫn lệch pha cung- cầu
May mặc là ngành nghề vốn dĩ sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhưng ở thời điểm hiện nay, khi ngành may mặc buộc phải cạnh tranh bằng "đơn giá" với bạn hàng thì các doanh nghiệp bắt buộc phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động.
Công ty TNHH Nam&Co (huyện Kim Sơn) là doanh nghiệp Việt nhưng đang trên đà đưa sản phẩm chinh phục thị trường thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu. Ngay từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa, tạo ra năng suất tối đa, đồng thời từng bước tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh cải tiến các công đoạn sản xuất qua đánh giá thường xuyên của bộ phận kiểm soát chuỗi sản xuất. Bộ phận này bao gồm những lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, là những người giúp công ty kiểm định chất lượng sản xuất tốt hơn. Khi phát hiện những bất cập trong quy trình sản xuất sản phẩm theo dây chuyền, họ sẽ đề xuất các giải pháp đến lãnh đạo Công ty.
Từ đó, Công ty đưa ra biện pháp cải tiến quy trình bằng cách tăng cường cải tiến máy móc, thiết bị phù hợp. Vì vậy, tiếp nhận những lao động đã qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu vận hành các thiết bị hiện đại là một trong những giải pháp được Công ty TNHH Nam&Co chú trọng.
Ông Lê Trí Hoạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam&Co cho biết: Đối với nhân sự ở bộ phận đòi hỏi kỹ thuật cao, chúng tôi chỉ tuyển những lao động đã qua đào tạo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ của người lao động vẫn còn khoảng cách giữa "lý thuyết" và "thực hành".
Thực ra ở các trường nghề đã có chương trình đào tạo khá công phu, song điểm yếu lớn nhất của các trường là vẫn thiếu các thiết bị, mô hình để sinh viên thực hành. Bởi thế, khi mới đi làm, lao động chưa thể bắt tay ngay vào công việc trên hệ thống thiết bị tiên tiến, sau khi tiếp nhận, doanh nghiệp lại phải mất chi phí, thời gian để đào tạo thêm, đào tạo lại.
Đối với những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao, rõ ràng chất lượng nguồn lao động được xem là then chốt. Công ty MCNex Vina (KCN Phúc Sơn) là đơn vị sản xuất modun camera và linh kiện điện tử. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho Tổng công ty Sam Sung hoặc xuất khẩu.
Vì thế, Công ty luôn quan tâm đến công nghệ sản xuất cũng như tay nghề của người lao động. Các loại máy móc của Công ty đều tự động hóa, đòi hỏi thao tác của người lao động phải chính xác đến độ tuyệt đối, chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng cả một đơn hàng. Bà Doãn Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, do đặc thù sản xuất sản phẩm công nghệ cao nên đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề tốt.
Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực có thể nhà trường không thể đào tạo được vì thiếu các thiết bị máy móc hiện đại. Vì vậy, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải dành thời gian đào tạo để có được nhân công tốt nhất. Tất nhiên, những người không đáp ứng được sẽ bị đào thải. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có những cải thiện rất đáng kể, song công tác đào tạo nghề vẫn còn bộc lộ khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, chưa thực sự "sát" với tiêu chuẩn công nghệ của doanh nghiệp.
Cái "bắt tay" cần thiết
Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô là một trong số 45 trường được Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng thành trường cao đẳng chất lượng cao. cung ứng lao động cho thị trường trong và ngoài nước. Những năm qua, nhà trường đã có những điều chỉnh trong đào tạo, hướng đến những ngành trọng tâm, hạn chế việc đào tạo tràn lan, đặc biệt là phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo.
Hiện nay, nhà trường đang thực hiện liên kết với hơn 30 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đào tạo 19 ngành nghề từ sơ cấp đến cao đẳng.
Ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện- xây dựng Việt Xô cho biết: Chúng tôi xác định liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là cơ hội để có thể đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thị trường. Ưu điểm lớn nhất trong cái "bắt tay" giữa nhà trường với doanh nghiệp đó là sẽ giúp các trường dạy nghề khắc phục được tình trạng thiếu các trang, thiết bị dạy học hiện đại, còn sinh viên sớm được tiếp cận và thực hành trực tiếp trên các công nghệ tiên tiến.
Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp cử các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại Trường hoặc hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp. Cũng thông qua việc liên kết đào tạo này, doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp vào việc hoàn chỉnh giáo trình dạy học của Trường.
Như vậy, sau khi ra trường và được tiếp nhận về doanh nghiệp, học sinh, sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần doanh nghiệp phải đào tạo thêm hay đào tạo lại. Tính đến thời điểm hiện nay, nhà trường đã cung cấp hàng nghìn học sinh, sinh viên chất lượng tốt cho các doanh nghiệp trong nước và nhiều học sinh, sinh viên chất lượng cao cho các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Với cách làm này đã góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lên đến trên 80%, tỷ lệ còn lại là những học sinh tự tạo việc làm tại quê hương.
Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cũng khả quan về sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề.
Ông cho rằng: hiện nay, đa số các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Để tạo sự hợp tác chặt chẽ, các nhà trường đã tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp.
Đồng thời tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với thực tiễn. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ngày càng nâng cao.
Đặc biệt, sự lệch pha giữa nguồn "cung" và "cầu" đã dần được thu hẹp. Các doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo cũng đã tuyển dụng được đội ngũ lao động đáp ứng sát nhất yêu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp mà không mất thời gian, chi phí bổ sung kiến thức và đào tạo lại.
Bài, ảnh: Đào Hằng