Thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng
Đồng chí Đinh Huy Hiệu, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Tam Điệp đang trên chặng đường trở thành thành phố công nghiệp, chính vì vậy thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu xây dựng quy hoạch, đưa sản xuất công nghiệp vào khu tập trung. Quy hoạch khu công nghiệp gắn với việc quy hoạch xây dựng đô thị và yếu tố phát triển lâu dài, bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, thành phố có khu công nghiệp Tam Điệp I với diện tích 64ha, đã có 15 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động, tạo việc làm cho hơn 10.600 lao động; bên cạnh đó là KCN Tam Điệp II có diện tích 363ha, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Thành phố khuyến khích thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch đầu tư vào Khu công nghiệp...
Toàn thành phố có 320 doanh nghiệp, 648 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp chủ lực là: xi măng, thép, rau quả sạch, may mặc, nguyên phụ liệu ngành may mặc, giày da, trang thiết bị y tế… đã và đang có mặt ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Nổi bật là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty xi măng Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây lắp Tam Điệp, Công ty giày Adora... Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng thực hiện năm 2019 (theo giá so sánh 2010) đạt 9.830 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm 2015.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản
Thành phố Tam Điệp được biết đến là nơi có các nông sản nổi tiếng như: dứa Đồng Giao, chè Ba Trại, nhãn, vải, lạc tiên, ngô ngọt... Dồn điền đổi thửa, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến là những giải pháp đã và đang được thành phố thực hiện để khai thác các thế mạnh của địa phương, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển bền vững.
Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến đã giúp nông nghiệp Tam Điệp có những bước tiến nhanh và bền vững. Trong đó có gần 2.000 ha dứa, thường xuyên cho sản phẩm là hơn 1.000 ha, cung cấp nguyên liệu chế biến cho 3 doanh nghiệp chế biến đồ hộp xuất khẩu là Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, Công ty cổ phần thực phẩm á Châu, Công ty TNHH Thanh An.
Hiện nay trên địa bàn, vùng sản xuất dứa + chè ở xã Quang Sơn là một trong những ví dụ điển hình trong xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với công nghiệp chế biến đang phát triển khá mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Tam Điệp với hàng trăm hộ gia đình đang áp dụng mô hình sản xuất này, cho giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Cũng theo đồng chí Trưởng phòng Kinh tế thành phố, sau khi dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ tích tụ ruộng đất, các HTX, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi và thực hiện tốt quy trình canh tác, chi phí sản xuất bình quân giảm mỗi ha hơn 10 triệu đồng so với năm 2015. Nhờ các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của thành phố mà nhiều hộ cũng đã tích tụ được ruộng đất, xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, đưa một số giống cây ăn quả có giá trị như nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, ổi lê Đài Loan vào cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng kém hiệu quả trên đất màu đồi; chuyển đổi 46,8ha sang trồng sen kết hợp nuôi cá; 427,7ha sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp nuôi cá vụ; 15ha sang trồng cây dược liệu như nghệ, cà gai leo, tam thất, hy thiêm, thảo quyết minh, chỉ sắc, sâm đại hành... giá trị sản phẩm cao gấp nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, 10 làng nghề trồng Đào phai được duy trì và phát triển trên địa bàn xã Đông Sơn với diện tích 175 ha, doanh thu năm 2020 đạt 15 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ sản xuất theo hướng đào gốc, đào thế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đã đạt trên 134,7 triệu đồng, tăng 64,1 triệu đồng so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48 triệu đồng/năm, tăng 21,4 triệu đồng so với năm 2015.
Thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích tập trung ruộng đất, dồn điền, đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nhất là vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt; chuyển mạnh sang sản xuất nông sản sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.
Vân Giang