Nhiều ý kiến cởi mở, thẳng thắn, nhiều tâm nguyện rất xúc động của một số bệnh nhân tại buổi tọa đàm đã làm rõ nét hơn những việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của những người thầy thuốc Quân y. Đây là một trong những hình thức làm phong phú, đa dạng thực hiện cuộc vận động lớn, tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, y, bác sỹ của Bệnh viện, trở thành một đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng lớn, có sức cuốn hút, lan tỏa mạnh mẽ.
Với việc đặt vấn đề trong cơ chế thị trường hiện nay có những lúc, những nơi đã xuất hiện hiện tượng bác sỹ "vòi vĩnh" phong bì khiến nhân dân bức xúc, các đại biểu tham dự buổi tọa đàm bằng những ý kiến của mình đã chứng minh Bệnh viện Quân y 5 đã cụ thể hóa những việc làm, đưa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào đời sống hằng ngày.
Giải đáp câu hỏi: Làm thế nào để bệnh viện thực hiện phong trào "Ba không" và "Ba nên" (nên coi người bệnh như người thân của mình; đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; học tập nâng cao trình độ và không gây phiền hà, vòi vĩnh bệnh nhân; không bớt xén thu lệ phí ngầm, không đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị) một cách thiết thực, hiệu quả. Các cán bộ, bác sỹ của Viện Quân y 5 đã nói lên những nỗ lực, cố gắng của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Bác sỹ Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng Khoa B2 của Viện tâm sự: Không phải đến khi phát động cuộc vận động này, cán bộ, bác sỹ mới hưởng ứng phong trào "ba không, ba nên", mà phong trào này đã trở thành hành động tự giác trong mỗi người chiến sỹ áo trắng nơi đây. Khoa B2 luôn coi bệnh nhân như người nhà của mình, hết sức cứu chữa bệnh nhân, mong sao bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh chứ không có việc vòi vĩnh phong bì.
Bác sỹ Hồ Sỹ Thân, Trưởng phòng Khám thì thẳng thắn nói: Với cán bộ, bác sỹ phòng khám, thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch, luôn nỗ lực thực hiện tốt những quy định về y đức, biết hy sinh lợi ích cá nhân, có tinh thần phục vụ đúng đắn, trách nhiệm cao trước bệnh nhân, không phân biệt đối xử với bất cứ bệnh nhân nào. Chính những điều đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Bệnh viện, đưa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ngày càng thiết thực, cụ thể.
Bác sỹ Nguyễn Văn Giang, Trưởng khoa Gây mê hồi sức thì thẳng thắn đặt ra vấn đề tại khoa có hay không có hiện tượng y, bác sỹ phân biệt đối xử, vòi vĩnh phong bì bệnh nhân. Việc người nhà bệnh nhân có lời cảm ơn bác sỹ sau khi điều trị là hoàn toàn phù hợp với đạo lý, truyền thống của người Việt Nam, tuy nhiên trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, việc đưa, nhận phong bì đã bị biến tướng. Quan điểm của các y, bác sỹ trong khoa là phải làm được những việc tốt nhất cho bệnh nhân trên 2 khía cạnh: tốt về chuyên môn để cứu sống bệnh nhân và nhiệt tình trong chăm sóc phục vụ để bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất.
Tại buổi tọa đàm, nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị tại Bệnh viện đã bày tỏ quan điểm thái độ trân trọng, lòng biết ơn, đánh giá cao sự nhiệt tình, chu đáo, không nề hà, thực sự "coi người bệnh như người thân của cán bộ thầy thuốc Viện 5". Bệnh viện đã lồng ghép cuộc vận động lớn với các phong trào thi đua để tạo chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ và chất lượng khám, chữa bệnh, làm đẹp thêm hình ảnh người thầy thuốc Quân y trong thời bình, tạo bầu không khí đoàn kết, tự tin, quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động trong toàn thể cán bộ, công nhân viên Bệnh viện.
Quỳnh Thu