Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long cho biết: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban quản lý đã xây dựng chiến lược và kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển 2 khu rừng đặc dụng.
Ngay từ khi mới thành lập, Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã báo cáo đề xuất với UBND các cấp xây dựng hồ sơ giao đất và trình UBND tỉnh ra quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ ranh giới, cắm mốc ranh giới khu bảo tồn và ranh giới các loại đất trên thực địa cũng như trên bản đồ số.
Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đất ngập nước đã được quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, không có tình trạng xâm lấn đất rừng, chuyển mục đích trái quy định. Ban quản lý đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan với nhiều hình thức và nội dung phong phú.
Nhìn chung công tác tuyên truyền đã căn bản làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu du lịch Vân Long, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch địa phương phát triển.
Trong nhiệm vụ bảo vệ rừng, đã từng bước triển khai thực hiện một cách hài hòa giữa công tác tuyên truyền, vận động với đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm. Với phương châm lấy dân làm gốc, lấy hoạt động của chính quyền cơ sở làm trọng tâm, tăng cường phối hợp với các tổ chức quần chúng, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương thiết lập trật tự kỷ cương pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Gần 17 năm qua đã đấu tranh ngăn chặn và xử lý trên 100 vụ vi phạm, tịch thu 4 khẩu súng săn các loại, 20 bẫy thú, 200 cá thể chim các loại, gần 1.000 kg than củi, 30 kích điện.
Đã xử lý một số vụ vi phạm, điển hình như vụ khai thác gỗ củi ở Tràng An, Tam Cốc, Hải Nham (huyện Hoa Lư); khai thác than khu Quèn cả; khai thác gỗ sưa tại đình Chung, xã Gia Hưng; khai thác cây cảnh ở núi Ba Non, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn)... Công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, đã tổ chức 7 cuộc diễn tập chữa cháy rừng với các quy mô khác nhau, xây dựng phương án kế hoạch phòng cháy, chữa cháy hàng năm.
Đã tổ chức chữa cháy 20 vụ, do sớm được phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời nên mức độ thiệt hại xảy ra không lớn và từ năm 2001 đến nay chưa có vụ cháy lớn nào xảy ra.
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chuyển giao khoa học kỹ thuật, Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức 4 đợt điều tra đa dạng sinh học, lập danh lục các loài động, thực vật rừng phân bố tại Khu bảo tồn, thực hiện 3 đề tài khoa học, trong đó 2 đề tài chuyên đề về loài Voọc và 1 đề tài về sử dụng khôn khéo đất ngập nước.
Kết quả nghiên cứu và giám sát đa dạng sinh học cho thấy đến tháng 5/2018 số lượng Voọc mông trắng tại khu bảo tồn là trên 150 cá thể/19 đàn, đây là số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất của Việt Nam có thể quan sát được ngoài tự nhiên, so với tổng số 200 cá thể dự báo có ở Việt Nam. Việc hợp tác đầu tư nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước đã được Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long chú trọng thực hiện và đạt được hiệu quả cao.
Một số đối tác chủ yếu trong thời gian qua đó là: Hội Động vật học Frankurt-CHLB Đức tại Việt Nam, IUCN, Quỹ Bảo tồn - Cục Kiểm lâm VCF, GEF của vương quốc Hà Lan, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam…
Trong các đối tác trên, có sự hợp tác đầu tư thường xuyên và hiệu quả với Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, đã hợp tác đầu tư xây dựng 6 trạm bảo vệ rừng, cấp kinh phí duy trì hoạt động của đội ngũ 30 nhân viên bảo vệ rừng và nhiều các chương trình hoạt động khác…
Để giảm sức ép vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã tích cực chuyển giao hướng dẫn bà con nông dân cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, kỹ thuật canh tác đất dốc; nhất là việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng, cải tạo vườn tạp, trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình trang trại sản xuất lâm nghiệp có hiệu quả.
Đã có 60% vườn tạp của các hộ gia đình tại 5 thôn vùng lõi được cải tạo; 2.000 giống cây ăn quả và trên 15.000 cây giống lâm nghiệp đã được cấp cho các hộ gia đình; 2 mô hình trang trại đồi rừng đã được hình thành và phát triển. 3 mô hình thử nghiệm là: Trồng tràm trên vùng đất lầy thụt tại xã Gia Lập (5 ha), trồng cây Mắc Rạc trên núi đá (1 ha), trồng Sưa ở chân núi đá vôi; 1 mô hình bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái ở Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Ban quản lý đã tích cực tham gia chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của tỉnh, tổ chức khoán bảo vệ rừng được trên 4.000 ha/135 hộ gia đình; trồng mới trên 100 ha rừng, 60.000 cây phân tán. Diện tích rừng mới trồng đã được bảo vệ và chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn thiết kế và phát triển tốt.
Một số khu rừng trồng đã và đang phát huy tốt vai trò tác dụng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường và là nơi trú ngụ, là giá đỡ cho hàng vạn con cò, vạc trú ngụ, sinh sống, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị đa dạng của sinh học, bảo vệ môi trường bền vững.
Đinh Chúc