Mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập
Cũng như các xã khác, Khánh Thành khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng có nhiều khó khăn, thánh thức: Nhận thức ban đầu về xây dựng NTM chưa đúng; kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn; là xã xa trung tâm huyện, kinh tế chủ yếu là thuần nông...
Nhưng bằng sự đồng thuận, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành; sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của Đảng ủy, UBND xã... nên sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Khánh Thành đã về "đích" và là một trong 3 xã đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh và huyện Yên Khánh.
Ông Phạm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Được công nhận là xã đạt chuẩn NTM chỉ là kết quả ban đầu, bởi lẽ tại thời điểm đó (năm 2013) vẫn có những tiêu chí còn dở dang, chưa hoàn chỉnh ở một số công đoạn; hơn nữa xây dựng NTM là chương trình lâu dài mà mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần... nên công cuộc này vẫn được xã duy trì, nhằm hoàn thiện, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia.
Với tinh thần đó, nên trong 2 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã đã được đầu tư 13,2 tỷ đồng xây dựng trường học các cấp; 38 tỷ đồng xây dựng đường giao thông từ chợ đến cống Tiên Hoàng (dự án đường Bái Đính-Kim Sơn).
Các thôn xóm, HTX nông nghiệp tổ chức cắm cọc mốc giới để nâng cấp, quản lý các tuyến đường giao thông nội đồng. Xây dựng 2 khu nghĩa trang nhân dân, thực hiện tốt quy chế quản trang, củng cố đội thu gom rác thải; xây nhà thi đấu đa năng từ nguồn vốn xã hội hóa; các tuyến đường giao thông được hoàn thiện phần lề đường và trồng cây xanh...
Tổng giá trị đầu tư trong hơn 2 năm khoảng 62 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước đầu tư 48,5 tỷ đồng, ngân sách xã 9,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,8 tỷ đồng.
Xác định củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình xây dựng NTM... nên trong sản xuất nông nghiệp, xã duy trì diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao và vụ đông trên đất 2 lúa.
Đặc biệt, xã đã và đang gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm 4, xóm 5, xóm 16, xóm 17, xóm 18, xóm 19 trên diện tích 150 ha. Tổ chức sản xuất lúa theo Chương trình SRI tại xóm 11, xóm 9 của HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến trên diện tích 40 ha.
Thực hiện đề tài khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp & PTNT tại xóm 15 trên diện tích 10 ha. Phong trào chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng và canh tác các loại cây, con có giá trị cao diễn ra mạnh mẽ ở xóm 13; xóm 7 là vùng trồng chanh đào, diện tích 15 ha; xóm 9 là vùng chuyên trồng ổi.
Mới đây xã cũng đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT, Sở Nông nghiệp & PTNT, hỗ trợ xây dựng 2 nhà lưới với tổng diện tích 1.000 m2 tại xóm 13 và HTX Đại Thành nhằm sản xuất rau sạch và cây trồng cung ứng cho nhân dân trong xã và trong vùng theo cơ chế: 70% vốn đầu tư nhà nước hỗ trợ, 30% do người dân tham gia đóng góp.
Quan tâm củng cố, duy trì bộ tiêu chí
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 43/119 xã đã đạt chuẩn, nông thôn mới, trong đó: Hoa Lư 10/10 xã, Yên Khánh 10/18 xã, Yên Mô 4/16 xã, Gia Viễn 5/20 xã, Nho Quan 7/26 xã, Kim Sơn 6/25 xã, thành phố Tam Điệp 1/4 xã. Hầu hết các tiêu chí ở các xã khi được công nhận đều bảo đảm về chất lượng.
Tuy nhiên, vẫn có một số tiêu chí còn dang dở, chưa hoàn chỉnh ở một số hạng mục; chất lượng chưa cao, dễ bị lung lay nếu thiếu biện pháp duy trì.
Việc củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí là đòi hỏi chung, xuyên suốt của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và là thách thức lớn đối với những xã đã về đích.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì sau 5 năm kể từ khi về đích sẽ xét công nhận lại; điều này đồng nghĩa với việc xã nào không giữ vững được kết quả, không duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí sẽ bị loại khỏi danh sách đạt chuẩn.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM bao gồm 19 tiêu chí, trong đó một số tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn... được xem là những tiêu chí "tĩnh".
Với sự đầu tư của Nhà nước và huy động nội lực từ nhân dân thì các tiêu chí này khi hoàn thành có tính ổn định tương đối; bởi theo thời gian, quá trình sử dụng, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu sẽ làm hao mòn, hư hỏng các công trình nếu không có việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.
Các tiêu chí: Thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường... được coi là những tiêu chí "động" đang khiến không ít địa phương "loay hoay" trong việc giữ vững và phát huy hiệu quả sau khi đạt chuẩn.
Do khoảng cách giữa đạt và không đạt của các tiêu chí này rất mong manh, như: Tiêu chí về môi trường, kết quả của nó không chỉ phụ thuộc vào việc tuyên truyền, vận động cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà phần nhiều phụ thuộc vào ý thức người dân.
An ninh trật tự cũng là một tiêu chí gặp không ít khó khăn trong quá trình giữ chuẩn và chỉ cần trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc gây rối trật tự xã hội thì trong năm đó xã đã không duy trì được mức đạt chuẩn tiêu chí này.
Đặc biệt các tiêu chí về: Thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo... quá trình giữ chuẩn cũng không hề dễ, bởi các tiêu chí này luôn thay đổi và phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân; chỉ cần một đợt thiên tai, dịch họa thì các tiêu chí này hoàn toàn có thể bị mất đi.
Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Vì vậy, không phải đã đạt chuẩn là kết thúc, khi đó các xã cần phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí lên tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Đinh Chúc