Đặt an toàn sức khỏe trên... lợi nhuận
Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Thủy, bà chủ của quán nem Anh Quân, được người dân trong xã giới thiệu là cơ sở sản xuất nem lớn nhất xã ở xóm 4, chị buồn buồn tâm sự: Đã một tuần nay nhà tôi không làm nem. Mặc dù trong xã chưa xuất hiện dịch lợn tai xanh, nhưng nghe thông tin trên đài, báo, gia đình nhận thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm nên dừng sản xuất. Biết là dừng sản xuất thì thu nhập của gia đình cũng giảm nhưng an toàn sức khỏe là trên hết. Ngắm nhìn quang cảnh nhà chị Thủy, chúng tôi nhận thấy hoạt động sản xuất món nem "đặc sản" nổi tiếng đã dừng từ lâu: chiếc máy thái bì lợn "đắp chiếu" kín mít, những chồng lá chuối xanh không còn trên những chiếc kệ. Và đặc biệt, không còn cảnh người, xe tấp nập vào đặt hàng, mua hàng.
Dạo một vòng quanh xã, nhất là ở những khu vực có các hộ làm nghề mới thấy hết cảnh vắng vẻ, đìu hiu của một làng nghề truyền thống phải dừng hoạt động vì... dịch. Một phần vì người dân có ý thức về vấn đề an toàn sức khỏe. Một phần do nem không phải là thực phẩm chín nên những khách hàng yêu thích món nem chua Yên Mạc cũng phải... "kiêng".
Theo ông Phạm Hồng Hỷ, Chủ tịch UBND xã thì nghề làm nem được nhiều hộ dân trong xã duy trì và phát triển theo hình thức "cha truyền con nối". Hàng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3, 4 năm sau, các hộ làm nghề hoạt động hết công suất vì lượng đặt hàng rất lớn. Còn ngày thường, các hộ làm "túc tắc" để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, hàng nghìn quả nem Yên Mạc được xuất xưởng đến các quán ăn, quán bia hơi, các gia đình, mang lại công việc và thu nhập cho hàng trăm lao động. Đến xóm 3, chúng tôi vào nhà ông Hoạch - hộ gia đình có lò giết mổ chuyên cung cấp nguyên liệu (thịt lợn) cho các cơ sở sản xuất nem. Nhà ông Hoạch quạnh vắng. Đã gần 1 tuần nay, gia đình ông không mua lợn về giết mổ vì sợ dịch. Qua chợ Bút, một đầu mối cung cấp thực phẩm tươi sống lớn của xã và vùng lân cận, mặt hàng thịt lợn đang dần vắng bóng trên các sạp hàng.
Tương lai cho đặc sản quê hương
Dù đang gặp khó khăn nhưng đối với các hộ chăn nuôi, các hộ sản xuất nem ở Yên Mạc vẫn luôn giữ niềm tin lạc quan khi nói về tương lai của đặc sản quê hương. Chị Phạm Thị Nụ, một hộ chăn nuôi lợn ở xóm 4, Yên Mạc cho biết: Gia đình tôi tuân thủ rất nghiêm các quy trình đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi nên đến nay đàn lợn của tôi đều khỏe mạnh, an toàn. Con lợn nái nhà tôi đẻ lứa này được 14 con...
Nhiều hộ chăn nuôi trong xóm, trong xã đều rất quan tâm chăm lo việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng và nhận thức rõ việc bảo vệ đàn lợn cũng chính là bảo vệ nguồn nguyên liệu cho món nem truyền thống. Đối với các hộ sản xuất nem, dù nguồn thu nhập khá lớn bị mất do dịch, nhưng các hộ sản xuất đều chấp hành nghiêm quy định của địa phương để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ quán nem Anh Quân tâm sự: Đặc sản truyền thống không chỉ do người làm và bí quyết "cha truyền, con nối" mà nguồn nguyên liệu, thực phẩm sạch cũng là yếu tố góp phần để người làm nghề giữ chữ "tín" đối với khách hàng. Bình thường, nghề làm nem tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, gắn liền trách nhiệm và ý thức của mỗi hộ chăn nuôi - kinh doanh - sản xuất để tạo thành món ăn ngon, món đặc sản tiêu biểu của quê hương, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Ninh Bình.
"Dịch tiêu chảy cấp hay dịch tai xanh ở lợn cũng sẽ qua khi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, khi ý thức, trách nhiệm của người dân từ khâu chăn nuôi, giết mổ cho đến sản xuất được nâng cao... Một ngày không xa, nem Yên Mạc lại tiếp tục có mặt cùng các món ăn trong các bữa tiệc, cỗ cưới, trong các quán ăn... góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đóng góp vào giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề của địa phương". Mong muốn của chị Nguyễn Thị Thủy cũng là mong muốn của các hộ nông dân trong xã về nghề truyền thống đã gắn bó với họ từ hàng chục năm nay.
Lý Nhân