PV: Xin ông cho biết xuất phát từ đâu mà có Ngày Khuyến học Việt Nam 2-10?
Ông Lê Văn Toại: Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua các triều đại phong kiến với những điều kiện khác nhau, nhưng bất kỳ thời kỳ nào, giáo dục và khuyến khích học hành, đỗ đạt cũng được quan tâm với mục đích nâng cao dân trí, tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho đất nước. Điều đó đã trở thành truyền thống của nhân dân, cộng đồng, họ tộc và mỗi gia đình trên đất nước ta.
Ngày nay trên con đường đi lên CNXH, Đảng, Nhà nước xác định "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ: "Thực hiện giáo dục cho mọi người", "Cả nước trở thành một xã hội học tập". Để thực hiện được chủ trương đó thì xã hội hóa giáo dục là giải pháp lớn nhất và hiệu quả nhất. Ngày 29-2-1996, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tổ chức xã hội với tên gọi: Hội Khuyến khích hỗ trợ phát triển giáo dục (nay là Hội Khuyến học Việt Nam).
Qua hơn 10 năm hoạt động (1996-2007), Hội đã có 5 triệu hội viên, hàng nghìn tổ chức Hội khắp các tỉnh, thành trong cả nước, ở khắp các làng, xã, thôn, bản, xóm, phố, dòng họ... ở đâu có dân ở đó có tổ chức Hội Khuyến học hoặc hoạt động khuyến học, khuyến tài. Hội Khuyến học là lực lượng nòng cốt liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Với những ý nghĩa trên, ngày 16-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2-10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam.
"Ngày Khuyến học Việt Nam" nhằm động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Đồng thời đây cũng là dịp thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói chung và Hội Khuyến học các cấp nói riêng, tạo vị thế cho Hội hoạt động tốt hơn.
PV: Thưa ông, 5 năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng học tập ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Ông Lê Văn Toại: 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành địa phương và toàn xã hội, công tác Hội đã có bước phát triển mới. HĐND tỉnh đã có Nghị quyết, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Hội Khuyến học cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) là tổ chức xã hội đặc thù, theo đó Hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động, cán bộ nghỉ hưu tham gia công tác chuyên trách Hội được Nhà nước trợ cấp thù lao.
Ủy ban MTTQ và các cơ quan, đoàn thể phối hợp chặt chẽ 9 cơ quan đoàn thể ký kết chương trình phối hợp hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với Hội Khuyến học tỉnh.
Cuối năm 2008 toàn tỉnh có số hội viên 161.940 người, bằng 17% dân số thì đến cuối năm 2012 đã là 253.360 người, bằng 28,2% dân số toàn tỉnh (Ninh Bình là một trong các tỉnh có hội viên đông trong cả nước). Số chi hội cơ sở từ 1.422 chi hội, sau 5 năm đã lên tới 2.862 chi hội, đặc biệt là huyện Yên Khánh đã thành lập Hội Khuyến học Hội Phụ nữ và Hội Khuyến học Hội CCB ở tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Quỹ khuyến học được thành lập ở hầu hết các thôn, bản, xã, phường, thị trấn, xóm phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hàng năm quỹ thu trên 50 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 5-3-2012 Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh được thành lập, quỹ đã có hơn 19 tỷ đồng, tổ chức phát thưởng cho hơn 400 lượt học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ, VĐV có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và sáng tác... với số tiền trên 3 tỷ đồng. Hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh con em gia đình chính sách vượt khó vươn lên trong học tập thông qua Quỹ Khuyến học tỉnh hàng năm 100 triệu đồng. Đây là mô hình mới được dư luận trong tỉnh và cả nước hoan nghênh. Huyện Yên Khánh lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài Vũ Duy Thanh, ngay ngày phát động đã thu 1,3 tỷ đồng, huyện Yên Mô ra mắt Quỹ Khuyến học, khuyến tài WTO với trên 300 triệu đồng...
Quỹ khuyến học, khuyến tài toàn tỉnh 5 năm qua đã khen thưởng cho trên 10 vạn lượt học sinh, cấp học bổng và trợ cấp khó khăn cho hơn 1 vạn lượt học sinh là con hộ nghèo, con gia đình chính sách. Quỹ cũng đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng.
"Trường học thân thiện, học sinh tích cực" xây dựng "Trường chuẩn Quốc gia" ở các bậc học. Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học ngày càng phát triển, hết năm 2008 toàn tỉnh có 112.091 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học các cấp, bằng 52% số hộ toàn tỉnh, năm 2012 đã có 176.629 gia đình, bằng 69,2%, tăng 7.916 hộ.
Năm 2007 toàn tỉnh có 1.199 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ hiếu học, trong đó 40% đạt chuẩn dòng họ hiếu học các cấp thì năm 2012 số dòng họ đăng ký là 1.654, trong đó 45% đạt chuẩn. Năm 2008 có 1.305 cộng đồng thì năm 2012 có 1.654 cộng đồng đăng ký xây dựng cộng đồng khuyến học, tăng 349 cộng đồng, 52% số cộng đồng đăng ký đã đạt chuẩn.
Với nhiệm vụ liên kết phối hợp giữa các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tham mưu với cấp ủy chính quyền các cấp củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý các Trung tâm học tập cộng đồng đưa trung tâm hoạt động ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Hàng năm các Trung tâm đã tổ chức hàng nghìn buổi chuyên đề khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chính sách, pháp luật cho hàng vạn lượt người học, chủ yếu là khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng suất cây trồng, con nuôi và góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Phong trào học tập trong cán bộ, công chức, viên chức và công nhân ngày càng được đẩy mạnh hơn.
Trong 5 năm qua sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh có bước phát triển toàn diện. Giáo dục Ninh Bình luôn ở tốp 10 dẫn đầu cả nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc nhiều năm. Những kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh.
PV: Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học và tô đậm truyền thống Ngày Khuyến học Việt Nam, trong thời gian tới Hội Khuyến học tỉnh có những hoạt động gì?
Ông Lê Văn Toại: Để tô đậm truyền thống khuyến học Việt Nam, trước hết mỗi cán bộ, hội viên của Hội phải là những tuyên truyền viên tích cực trong nhân dân làm cho mọi người hiểu được ý nghĩa, mục đích của Ngày Khuyến học Việt Nam. Ngày Khuyến học Việt Nam không chỉ của Hội khuyến học và người làm công tác khuyến học mà là ngày toàn Đảng, toàn dân quan tâm chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tôn vinh, biểu dương những gương sáng hiếu học, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thường xuyên hơn đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với tinh thần "khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân".
Tích cực vận động mỗi cán bộ, hội viên của Hội với tâm, tài, trí, tín luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm nhiệt tình, năng động, sáng tạo vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân đưa phong trào khuyến học, khuyến tài lên tầm cao mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)